Chính phủ dân túy của Italy rốt cuộc đã chịu nhượng bộ về chỉ tiêu thâm hụt ngân sách, trước áp lực từ Liên minh châu Âu (EU) và các thị trường thành viên trong khối.
Trong một tuyên bố ngày 3/10, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết Rome đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức 2,4% năm tới, sau đó giảm còn 2,1% vào năm 2020 và 1,8% trong năm 2021.
Ông đồng thời nhấn mạnh cam kết sẽ thúc đẩy những nỗ lực của Italy nhằm giảm nợ công hiện đang ở mức cao, tới 131% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Italy Giovanni Tria cho biết thâm hụt ngân sách sẽ bị siết chặt sau năm 2019 bởi Rome nhận định rằng việc giảm nợ công là "vấn đề cơ bản."
[Italy khẳng định không thay đổi chỉ tiêu thâm hụt ngân sách]
Đây được xem là một sự thay đổi mạnh mẽ của Chính phủ Italy sau khi hồi tuần trước, Rome đã công bố kế hoạch ngân sách, theo đó tăng chi tiêu cũng như nâng chỉ tiêu thâm hụt ngân sách trong 3 năm tới lên 2,4% GDP, gấp 3 lần so với mức chỉ tiêu của chính phủ tiền nhiệm.
Chỉ tiêu thâm hụt ngân sách này của Italy vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trần 3% của EU. Tuy nhiên, Italy hiện lại có mức nợ công cao thứ 2 trong EU, sau Hy Lạp, và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất chậm chạp.
Vì vậy, EU cũng như các nhà đầu tư lo ngại rằng chỉ tiêu thâm hụt ngân sách này có thể làm khoản nợ công của Italy vốn đã ở mức "khổng lồ" ngày một phình to hơn.
Kế hoạch ngân sách trên cũng đã vấp phải những phản ứng chỉ trích từ Ủy ban châu Âu (EC).
Ngày 1/10, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã cảnh báo Italy cần tuân thủ các quy định của liên minh về chi tiêu công, nếu không Italy sẽ đối mặt với các trừng phạt của EU.
Đáp lại, Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini cho rằng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker thiếu công bằng khi so sánh Italy với một "Hy Lạp mới," tuyên bố ông Juncker cần bồi thường vì những phát biểu về kế hoạch ngân sách của Rome đã tác động tiêu cực lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Ông Matteo Salvini đồng thời lập luận rằng, kế hoạch ngân sách mới của Italy sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập và cho phép nợ công giảm khoảng 1% GDP.
Ông Salvini tuyên bố nếu EU bác bỏ kế hoạch ngân sách của Italy thì nước này sẽ vẫn cứ xúc tiến kế hoạch của mình./.