Italy: Người dân "mê" mạng xã hội hơn truyền hình

Các mạng xã hội đã trở thành công cụ quan trọng không chỉ để người Italy giải trí và thể hiện quan điểm cá nhân, mà còn là nơi để họ tìm kiếm thông tin.

Tự do hơn, độc lập hơn và mang tính cá nhân nhiều hơn, các mạng xã hội đã trở thành những công cụ quan trọng không chỉ để người Italy giải trí và thể hiện các quan điểm cá nhân, mà còn là nơi để họ tìm kiếm các thông tin về thời sự, chính trị, xã hội và thể thao.

Điều này cho thấy mạng xã hội đang dần dần thay thế truyền hình, vốn là một trong niềm đam mê lớn nhất trong thời gian rỗi của người Italy.

Theo kết luận được đưa ra trong một cuộc điều tra xã hội của Viện nghiên cứu xã hội Demos mới công bố hôm 16/12, sáu năm trước, khi Internet băng thông rộng còn chưa phổ biến ở Italy, chỉ có 25% người trưởng thành của nước này sử dụng Internet vào việc tìm kiếm thông tin hàng ngày và có đến 85% số người được hỏi khẳng định, không ngày nào họ không ngồi xem tivi ít nhất một tiếng để xem thời sự hoặc các talkshow.

Đến nay, sự thay đổi lớn đã diễn ra nhờ sự lan tỏa rộng rãi của Internet, với hơn 70% người dân Italy sử dụng Internet. Hơn 60% số người trưởng thành Italy hiện tại sử dụng mạng xã hội như là một công cụ tìm kiếm thông tin và giải trí, trong khi số người coi tivi như phương tiện chủ yếu cho các hoạt động này đã giảm xuống dưới 70%.

Đây là điều rất đáng chú ý đối với một đất nước mà các chương trình thời sự, talkshow và tạp kỹ vô cùng phát triển, và được cho là có những tác động lớn đến văn hóa Italy trong nhiều thập niên qua.

Tuy Internet ngày càng phát triển và các mạng xã hội ngày càng lan tỏa, tivi vẫn sẽ là phương tiện "tham khảo" chính của người Italy, nhưng niềm tin của họ vào truyền hình đã giảm đi rất nhiều.

Theo thăm dò của Demos, chỉ có hai trong số 10 người được hỏi cho rằng các chương trình thời sự, bình luận và talkshow đông người xem nhất trên các kênh truyền hình Italy là độc lập, không bị chi phối bởi các đảng phái và đáng tin cậy.

Không ít số người được hỏi cho rằng họ "quá mệt mỏi" với những thông tin tiêu cực về kinh tế đất nước cũng như việc các đảng phái chính trị sử dụng các kênh truyền hình như là phương tiện để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình, chỉ trích các đảng phái khác. Một số talkshow bị cho là "có quá nhiều cãi vã" trên sóng trực tiếp.

Điều tra của Demos cho thấy không bản tin thời sự nào của các kênh truyền hình lớn nhất Italy được đánh giá là "tích cực" từ trên 60% số người thăm dò. Đây là tỷ lệ đánh giá thấp nhất của người Italy với truyền hình trong 10 năm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục