Italy kỷ niệm 100 năm ngày chính thức tham gia Thế chiến I

Hàng trăm sự kiện được tổ chức ở Italy hôm 24/5, nhân 100 năm nước này tuyên chiến với Đế quốc Áo-Hungary, chính thức tham gia Thế chiến thứ nhất.
Tổng thống Sergio Mattarella đặt hoa tại Đài tưởng niệm Liệt sỹ vô danh ở Rome. (Nguồn: ANSA)

Hàng trăm sự kiện lớn nhỏ đã được tiến hành ở nước này hôm 24/5, nhân kỷ niệm tròn một thế kỷ Italy tuyên chiến với Đế quốc Áo-Hungary, chính thức tham gia vào Thế chiến thứ nhất.

Tổng thống Italy Sergio Mattarella cùng Bộ trưởng Quốc phòng Roberta Pinotti và nhiều quan chức cấp cao của chính phủ và Quốc hội đã đặt hoa ở Đài tưởng niệm Liệt sỹ vô danh ở thủ đô Rome.

Một phút mặc niệm cũng đã được tiến hành vào lúc 15 giờ ở 24 thành phố khác nhau, được kênh quốc gia RAI thực hiện truyền hình trực tiếp trong một chương trình đặc biệt nhằm tưởng nhớ những người lính và dân thường Italy đã ngã xuống trong 3 năm Italy tham chiến.

Một loạt các kênh truyền hình khác cũng chiếu lại những cuốn phim tư liệu về Chiến tranh Thế giới thứ nhất nói chung và đề cập đến vai trò của Italy nói riêng trong cuộc chiến.

Tại nhiều địa phương, các em học sinh, sinh viên đến đặt hoa tại các đài tưởng niệm các nạn nhân của Thế chiến thứ nhất. Trong khi đó, khán giả và cầu thủ của giải bóng đá ngoại hạng Italy Serie A cũng đã dành một phút mặc niệm trước khi bắt đầu các trận đấu trong ngày 24/5.

Mặt trận Italy-Áo là một trong năm mặt trận chính và đẫm máu nhất của Thế chiến thứ nhất. Mặc dù cuộc đại chiến này bắt đầu vào mùa Hè năm 1914, tuy nhiên Italy, dù là đồng minh của Áo-Hungary và Đức, chỉ thực sự tham chiến gần một năm sau đó, chống lại Đế quốc Áo-Hungary, lúc đó đang trên đà suy yếu.

Chiến trường Italy-Áo diễn ra chủ yếu ở các vùng núi Alps phía Nam của Áo và vùng ven biển của Balkan. Chiến tranh chỉ ngã ngũ vào năm 1918, với một cái giá rất đắt cho phía Italy: 650.000 binh lính và 600.000 dân thường thiệt mạng.

Những mâu thuẫn với phía Áo sau chiến tranh liên quan đến các vùng nói tiếng Đức mà Italy chiếm được trong Thế chiến thứ nhất như vùng Trentino-Alto Adige, chỉ có thể giải quyết được sau khi Italy cho vùng này hưởng quy chế tự trị.

Nhiều khu vực nói tiếng Đức ở vùng tự trị Trentino-Alto Adige ở miền Bắc Italy đã chống lại quyết định của chính phủ khi không treo quốc kỳ trong ngày kỷ niệm 100 năm Italy tham chiến. Trong khi đó, Giáo hoàng Francis I đã tuyên bố rằng "những cuộc bắn giết trong Thế chiến thứ nhất là vô ích" và "chúng ta hãy cầu nguyện cho những nạn nhân của cuộc chiến."

Thế chiến thứ nhất kéo dài từ năm 1914 đến 1918, dẫn đến cái chết của 26 triệu người, một nửa trong số đó là dân thường.

Những mâu thuẫn và tranh chấp không được giải quyết sau Thế chiến thứ nhất, với Hiệp ước Versailles năm 1919, được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến Thế chiến thứ hai gần 30 năm sau đó, dẫn đến cái chết của hơn 50 triệu người, và làm thay đổi trật tự thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục