Italy kiên quyết từ chối tiếp nhận người di cư giải cứu trên biển

Phó Thủ tướng Italy cho biết Italy đã sẵn sàng cung cấp thuốc men, thực phẩm cũng như những nhu yếu phẩm khác cho những người di cư, song khẳng định các cảng biển của Italy "sẽ luôn đóng."
Người di cư trên tàu Diciotti tại cảng Sicily, Italy ngày 13/6/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh con tàu cứu hộ Sea Watch 3 chở 47 người di cư được cứu trên Địa Trung Hải đang hướng tới thành phố cảng Sicily của Italy bất chấp thời tiết xấu, ngày 24/1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini tái khẳng định lập trường cứng rắn không tiếp nhận người di cư.

Trên trang mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Salvini nêu rõ: "Sau nhiều ngày neo đậu trên vùng biển của Malta, tàu Sea Watch 3 chở 47 người di cư đang hướng đến bờ biển của chúng ta. Sẽ không ai được lên bờ vào Italy."

Ông cũng cho biết Italy đã sẵn sàng cung cấp thuốc men, thực phẩm cũng như những nhu yếu phẩm khác cho những người di cư, song khẳng định các cảng biển của Italy "sẽ luôn đóng."

Tàu Sea Watch 3 treo cờ Hà Lan, do tổ chức phi chính phủ Sea Watch của Đức điều hành, đã cứu những người di cư và tị nạn trên cách đây 6 ngày khi họ đang cố vượt Địa Trung Hải trên chiếc thuyền hơi cao su để tới châu Âu.

Kể từ đó, Malta và Italy, hai quốc gia EU gần nhất, luôn từ chối tiếp nhận những người di cư này.

Liên quan tới khả năng Đức sẽ không cử các tàu khu trục tham gia vào "Chiến dịch Sophia" (EUNAFOR Sophia) của Liên minh châu Âu (EU) nhằm chống lại hoạt động buôn người tại khu vực Địa Trung Hải, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Salvini cho rằng "Chiến dịch Sophia" mà chính phủ của cựu Thủ tướng Matteo Renzi đã thỏa thuận, thực chất chỉ nhằm dồn tất cả những người tị nạn vào Italy. Do đó, sẽ không quan trọng nếu xảy ra trường hợp quốc gia nào đó muốn rút khỏi chiến dịch.

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, "Chiến dịch Sophia" sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 tới sau một số lần được gia hạn tạm thời. Trên thực tế, việc chấm dứt "Chiến dịch Sophia" vốn được lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu Matteo Salvini coi như một “chiến thắng chính trị” được mong chờ từ lâu.

Italy muốn ngăn chặn người di cư, vốn được tàu các nước tham gia chiến dịch này giải cứu, được đưa tới Italy đầu tiên.

Trong khi đó, đồng phó Thủ tướng Luigi Di Maio cho rằng chiến dịch này có thể tiếp tục nếu các nước khu vực Địa Trung Hải chấp nhận mở cảng, và cần phải đưa những người tị nạn về cảng Marseilles, miền Nam nước Pháp.

Hải quân Italy đã thu nhỏ quy mô tham gia "Chiến dịch Sophia."

Kể từ đầu tháng 1/2019, tàu hộ tống tên lửa Luigi Rizzo (F-595) với thủy thủ đoàn 130 người, có khả năng tiếp nhận 2 trực thăng đã bắt đầu làm nhiệm vụ thay thế cho tàu tấn công tên lửa San Marco (L-9893), với thủy thủ đoàn 180 người và khả năng tiếp nhận 5 trực thăng, sau 5 tháng tham gia chiến dịch.

Chính phủ Italy cho rằng đã đến lúc phải thay đổi, điều chỉnh lại mục đích của "Chiến dịch Sophia" bởi sự hiện diện của Hải quân Italy đã và đang đảm bảo an ninh cho một khu vực chiến lược quan trọng, không chỉ cho châu Âu nói chung mà trước hết là cho chính an ninh nội địa Italy.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại, bà Federica Mogherini cho rằng "Chiến dịch Sophia" là một thành công của chính sách quốc phòng EU và góp phần ngăn chặn nạn buôn người, hỗ trợ huấn luyện lực lượng biên phòng Lybia, và hoạt động cứu hộ.

Quan chức này khẳng định EU sẵn sàng để chấm dứt nếu Italy không còn cần đến chiến dịch này.

“Chiến dịch Sophia” được EU thống nhất triển khai hồi tháng 10/2015 với sự hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm chống lại hoạt động buôn người ở vùng biển Địa Trung Hải ngoài khơi Libya.

“Sophia” là tên một bé gái sơ sinh được Hải quân Đức cứu sống ngoài khơi Libya hồi cuối tháng 8/2015. Italy là quốc gia được EU giao quyền chỉ huy chiến dịch này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục