Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) không được bỏ mặc cho Italy một mình đối phó với làn sóng người nhập cư bằng đường biển ngày càng tăng trong thời gian qua.
Thủ tướng Italy phát biểu như vậy trong cuộc họp báo sau phiên họp khẩn cấp của Chính phủ Italy liên quan đến một vụ lật tàu chở người nhập cư từ Bắc Phi làm ít nhất 700 người chết trên biển Địa Trung Hải.
Ông nói: "Italy không thể cứ tiếp tục phải đương đầu với tình trạng này, cũng như giải quyết các thảm họa xảy ra ngày một nhiều trên biển Địa Trung Hải. EU cần phải nhanh chóng có biện pháp để ngăn chặn những kẻ "buôn nô lệ" trên biển và chấm dứt việc coi vấn đề nhập cư là thứ yếu trong chương trình nghị sự của mình."
Thủ tướng Italy cũng yêu cầu EU phải nhóm họp khẩn cấp trong tuần này để bàn về các biện pháp nhằm ngăn chặn các thảm họa liên quan đến người nhập cư trên biển có thể tái diễn. Đáp lại những đòi hỏi của phe đối lập phải tiến hành phong tỏa bờ biển Libya để ngăn chặn dòng người nhập cư, Thủ tướng Italy cho rằng đó không phải là một giải pháp hợp lý và không đủ khả năng để đối phó với tình hình.
Vụ tai nạn xảy ra rạng sáng 19/4 ở cách bờ biển Libya 60km là tai nạn mới nhất và có thể là có nhiều nạn nhân nhất trên Địa Trung Hải từ trước đến nay. Cho đến nay, lực lượng cứu hộ cứu nạn của Italy đã cứu được 28 người và vớt được 24 xác chết.
Chiếc tàu bị lật vì những người nhập cư trái phép ùa ra một phía khi một chiếc tàu chở hàng của Bồ Đào Nha tiến đến để vớt họ lên theo yêu cầu của lực lượng bảo vệ bờ biển Italy.
Một người sống sót trong vụ lật tàu nói rằng, vào thời điểm xuất phát, trên tàu có chừng 950 người, trong đó 200 phụ nữ và từ 40 đến 50 trẻ con. Người sống sót này, một người gốc Bangladesh và hiện đang được chăm sóc trong một bệnh viện ở Catania, Sicily, nói rằng tàu đã chở quá số người cho phép, khi người chủ tàu đã dồn rất nhiều người nhập cư xuống hầm tàu và khóa trái cửa lại, ngăn không cho họ thoát ra.
Báo chí Italy cho hay các giới chức Italy đã tỏ ra bất bình trước việc EU tỏ ra chậm trễ và thiếu hành động quyết đoán và cụ thể trong việc hỗ trợ họ, để mặc họ đương đầu với các thảm họa nhân đạo liên quan đến người nhập cư, như vớt họ từ trên biển và tiếp nhận họ trong các trung tâm cứu trợ.
Từ tháng 10/2013, sau khi 366 người nhập cư đã chết trong một vụ lật thuyền gần đảo Lampedusa của Italy, Chính phủ Italy đã từng tiến hành một chiến dịch nhân đạo tìm cứu người nhập cư trên biển mang tên "Mare Nostrum" (Biển của chúng ta), cứu sống hàng vạn người trên những con thuyền lênh đênh trên biển hướng về phía Italy.
Với kinh phí 9,5 triệu euro mỗi tháng và hoạt động trên một diện rất rộng, kéo dài đến tận bờ biển Libya, chiến dịch này sau đó đã bị đình lại do vấn đề tài chính và mâu thuẫn với EU trong vấn đề hỗ trợ hoạt động.
"Mare Nostrum" sau đó được thay thế bằng chiến dịch "Triton" của EU từ tháng 11/2014, nhưng được cho là kém hiệu quả hơn, với chi phí chỉ 2,9 triệu euro/tháng, hoạt động trong phạm vi 30 hải lý tính từ bờ biển Italy và chỉ tiến hành tìm cứu người bị nạn nếu nhận được tín hiệu cấp cứu chứ không tiến hành tuần tra.
Những mâu thuẫn giữa Italy và EU nổ ra trong hoàn cảnh dòng người nhập cư bằng đường biển vào châu Âu qua ngả Italy ngày một tăng, đi kèm với những nguy cơ tai nạn tiềm ẩn, do hầu hết các tàu chuyên chở đều cũ kỹ và ở tình trạng quá tải.
Kể từ đầu năm đến nay, đã có gần 2.000 người nhập cư chết trong các tai nạn trên biển. Trong hơn một năm qua, Italy cũng đã bắt và xét xử tù gần 1.000 chủ tàu chở người nhập cư trái phép, hầu hết số người này đến từ Bắc Phi, nhưng không ngăn chặn được tình trạng này.
Theo nhật báo Corriere della Sera, trong khi chờ những giải pháp chính trị cho sự bình ổn Libya, nơi xuất phát của 91% số tàu chở người nhập cư sang Italy bằng đường biển, Italy đòi hỏi EU không chỉ hỗ trợ họ về mặt tài chính nhằm mở rộng khả năng tuần tra để tìm cứu người nhập cư trên biển trong chiến dịch "Triton" mà còn giúp đỡ họ nhiều hơn nữa trong việc cùng chia sẻ gánh nặng người nhập cư xin tị nạn.
Năm ngoái, số lượng người nhập cư xin tị nạn ở Italy đã tăng 142,8% so với năm 2013 và có thể cao hơn nữa trong năm 2015. Ngoài số người xin tị nạn vào Italy, nước này còn phải tiếp nhận trở lại những người nhập cư không được các nước châu Âu khác chấp thuận cư trú, sau khi đã rời các trại của Italy sang các nước này xin tị nạn.
Trang mạng Huffington Post bản tiếng Italy cho biết Chính phủ Italy đang nghiên cứu khả năng cùng với một số tổ chức nhân đạo quốc tế như Hội Chữ thập Đỏ, Hội trăng lưỡi liềm đỏ và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) mở các trại tiếp nhận người nhập cư trên lãnh thổ Niger. Những trại này có nhiệm vụ đón người nhập cư bị buộc phải hồi hương nếu như không nhận được quy chế tị nạn ở các nước châu Âu.
Nguồn tin này cho biết, Chính phủ Niger đã đồng ý với phương án này./.