Italy: Học sinh sinh viên biểu tình chống cải cách giáo dục

Hơn 50.000 học sinh, sinh viên Italy biểu tình để chống lại chính sách cải cách giáo dục mà Chính phủ của Thủ tướng đang thúc đẩy.
Italy: Học sinh sinh viên biểu tình chống cải cách giáo dục ảnh 1Các sinh viên thành phố Turin biểu tình ở chống cải cách giáo dục. (Nguồn: ANSA)

Hơn 50.000 học sinh và sinh viên nước này đã xuống đường biểu tình ở Rome, Milan, Turin, Napoli và một số thành phố lớn khác của Italy để chống lại chính sách cải cách giáo dục mà chính phủ của Thủ tướng Italy Matteo Renzi đang thúc đẩy.

Với các khẩu hiệu "chúng tôi không tin chính phủ," "thế hệ không đầu hàng," "trường học là của chúng tôi, không phải là gánh xiếc của các vị," những người biểu tình đã tuần hành ở các thành phố và thậm chí đã xô xát với cảnh sát chống bạo động ở Milan.

Một sinh viên bị bắt và một số người khác đã bị thương trong những cuộc va chạm bên ngoài trụ sở của vùng Lombardy ở Milan. Những người biểu tình đã ném pháo và trứng vào cảnh sát.

Tại Bologna, sinh viên đã chặn cổng những trường đại học lớn nhất và giơ cao các biểu ngữ chống chính phủ. Trong khi đó, tại thủ đô Rome, sinh viên đã tuần hành trên nhiều đường phố ở trung tâm.

Danilo Lampis, người điều phối của Liên đoàn sinh viên Italy, cho rằng, cải cách giáo dục sẽ chỉ có lợi cho các trường tư và tạo điều kiện cho các công ty tư nhân đầu tư vào khu vực giáo dục.

Những cuộc biểu tình này diễn ra trước khi chính phủ thông qua văn bản của dự luật cải cách giáo dục mà Thủ tướng Italy Renzi hy vọng hai viện Quốc hội sẽ thông qua trong thời gian tới để cải thiện môi trường sư phạm và chất lượng giáo dục của Italy.

Theo dự luật có biệt danh "Buona scuola" (Ngôi trường tốt) này, Italy sẽ ký hợp đồng dài hạn với 100.000 giáo viên để chấm dứt tình trạng giáo viên làm việc theo hợp đồng thời vụ. Các giáo viên cũng sẽ được tăng lương theo thâm niên và thành tích dựa theo đề đạt của các hiệu trưởng. Chính phủ sẽ cấp 200 triệu euro từ nay cho đến năm 2016 để ngành giáo dục tăng lương cho giáo viên. Ngoài ra, mỗi giáo viên cũng sẽ được chi 500 euro mỗi năm cho các hoạt động văn hóa của mình.

Dự luật cải cách giáo dục cũng hướng tới việc gia tăng giờ học các môn liên quan đến âm nhạc, ngoại ngữ và hoạt động thể chất. Thủ tướng Renzi đặc biệt nhấn mạnh đến việc Italy phải có những giáo viên dạy tiếng Anh giỏi ở cấp tiểu học.

Ông cũng đòi hỏi các trường học phải công bố chi tiêu cũng như tiểu sử của giáo viên trên Internet. Tuy nhiên, dư luận Italy, đặc biệt là giới sinh viên không đồng ý với nhiều điểm của đề xuất cải cách này, lo ngại rằng, cải cách sẽ không được thực hiện một cách rốt ráo và sẽ chỉ tạo điều kiện cho tư nhân kiếm lợi.

Sau khi đưa ra dự luật cải cách giáo dục, chính phủ tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện những cải cách khác, liên quan đến cải tổ bộ máy của hệ thống phát thanh truyền hình nhà nước RAI nhằm cắt giảm chi phí và đội ngũ nhân viên, giảm thiểu bộ máy lãnh đạo cồng kềnh; đồng thời giảm ảnh hưởng chính trị của các đảng phái vào việc đưa tin của hãng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục