Italy đề xuất thành lập lực lượng chống tổ chức IS ở châu Phi

Italy đề xuất thành lập lực lượng tại châu Phi nhằm nhận diện, ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố liên quan đến IS trên lục địa này thông qua các biện pháp có sự phối hợp với các đối tác địa phương.
Italy đề xuất thành lập lực lượng chống tổ chức IS ở châu Phi ảnh 1Các đại biểu dự Hội nghị Liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Rome. (Nguồn: AFP)

Hội nghị Liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Italy và Mỹ đồng chủ trì diễn ra tại Rome (Italy) đã kết thúc chiều 28/6.

Hội nghị lần này quy tụ 83 quốc gia thành viên của liên minh, hơn một nửa trong số đó đã cử đại diện cấp ngoại trưởng tham dự.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio khẳng định việc Italy cùng Mỹ chủ trì sự kiện quan trọng này là "một minh chứng nữa về mối quan hệ bền chặt giữa hai nước cũng như sự hợp tác tốt đẹp trong các vấn đề toàn cầu."

[Tổng thư ký Liên đoàn Arab kêu gọi nỗ lực quốc tế nhằm loại bỏ IS]

Ngoại trưởng Italy thông báo hội nghị đã tập trung thảo luận những thách thức mang tính hệ thống và toàn cầu như cuộc chiến chống đại dịch, phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19 và chống biến đổi khí hậu, cũng như các cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng như bất ổn trên Địa Trung Hải và tại Libya.

Liên quan đến tổ chức IS, Ngoại trưởng Di Maio nhận định: "IS đã bị đánh bại trên cấp độ lãnh thổ vào tháng 3/2019, nhưng cho dù suy yếu thì tổ chức này vẫn tiếp tục là mối đe dọa an ninh ở Syria, Iraq và vươn đến những lãnh thổ mới."

Mối đe dọa của IS đặc biệt đáng báo động ở châu Phi, cụ thể như khu vực Sahel hay Đông Phi. Do đó, với sự hỗ trợ của Mỹ và nhiều đối tác khác, Italy đề xuất thành lập một lực lượng tại châu Phi nhằm nhận diện, ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố liên quan đến IS trên lục địa này thông qua các biện pháp có sự phối hợp với các đối tác địa phương.

Tại hội nghị lần này, Italy đã mời một số quốc gia châu Phi không phải là thành viên liên minh (Burkina Faso, Ghana và Mozambique) cử quan sát viên đến hội nghị nhằm cho thấy mối lo ngại về sự mở rộng của IS ở châu Phi.

Ngoại trưởng Di Maio nhấn mạnh cách thức tối ưu để chống khủng bố, trước hết là IS, chính là củng cố các thể chế địa phương thông qua những sáng kiến hợp tác phát triển.

Điển hình như ở Afghanistan, Italy "sẽ tăng cường các chương trình hợp tác phát triển bởi vì việc rút quân không có nghĩa là sẽ từ bỏ đất nước này."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đánh giá tích cực vai trò, trách nhiệm của Italy trong việc chủ trì tổ chức hội nghị, đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sáng kiến của Italy về thành lập nhóm công tác chống IS tại châu Phi.

Về tình hình Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ cho biết nước này sẽ bổ sung 436 triệu USD viện trợ nhân đạo cho người dân Syria và các cộng đồng đang hỗ trợ người tị nạn Syria.

Ông Blinken cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng số lượng lớn, khoảng 10.000 phần tử thánh chiến đang bị giam giữ ở Syria, đồng thời kêu gọi các nước sớm hồi hương và có thể đưa ra xét xử những đối tượng nguy hiểm này.

Liên quan đến Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ cho biết: "Cũng giống như Mỹ, các đồng minh châu Âu đều nhận thấy những khía cạnh phức tạp luôn đan xen giữa cạnh tranh và hợp tác" với quốc gia châu Á này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục