Italy đang đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám

Tình hình kinh tế, xã hội, việc làm không cải thiện nên hàng nghìn thanh niên Italy  rời bỏ đất nước để tới Đức, Anh tìm việc làm.
Italy đang đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám ảnh 1Một cặp đôi nam nữ đọc thông báo tuyển nhân viên trên phố ở Italy (Nguồn: Getty)

Một nghiên cứu mới công bố của Viện nghiên cứu xã hội Toniolo và Quỹ Cariplo cho biết, 48% giới trẻ Italy sẵn sàng đi ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, trong khi đó có tới 46,5% những người đang kiên trì theo đuổi công việc ở Italy lại phải làm việc trong những lĩnh vực trái với ngành nghề họ đã được đào tạo.

Trong những năm vừa qua, do tình hình kinh tế, xã hội, việc làm không mấy cải thiện, đặc biệt là cơ hội việc làm cho giới trẻ rất ít nên hàng nghìn thanh niên Italy đã rời bỏ đất nước để tới những nước thuộc khu vực Scandinavia, Đức và Anh.

Rất nhiều người trong số đó nói rằng họ không có ý định quay trở lại Italy trong tương lai gần. Cũng theo báo cáo, 47% thanh niên đang có việc làm tại Italy cho rằng mức lương họ được hưởng quá thấp.

Hiện tình trạng thất nghiệp trong thanh niên ở Italy hiện đã lên đến trên 40%. Không chỉ có thanh niên mà nhiều người dân Italy cũng đã di cư đến các thành phố phía Bắc của châu Âu và một vài nơi khác để làm việc.

Tiền bạc có thể là lý do chính cho sự ra đi của họ, tuy nhiên sự trải nghiệm được làm việc trong một nền kinh tế tốt hơn cũng là nguyên nhân làm cho nhiều người không muốn quay trở lại Italy, nơi mà họ cho rằng nền kinh tế không chỉ chìm trong tình trạng suy thoái trầm trọng mà còn bị vấn nạn “con ông cháu cha,” phân biệt đối xử về tuổi tác, mức lương lao động thấp và có ít cơ hội cho thăng tiến.

Trả lời phỏng vấn nhật báo La Repubblica, Lorenza Frigerio, người Italy và hiện là kế toán tại một tập đoàn ở London, cho rằng sẽ không bao giờ quay trở lại Italy nữa. Cô thấy thất vọng khi theo dõi tình hình, tin tức về kinh tế, chính trị tại quê nhà.

“Tôi vẫn cảm thấy mình là một người Italy nhưng bây giờ London là nhà của tôi."

Andrea Teti, giảng viên đại học tại Aberdeen, Scotland cho biết, nếu chính phủ Italy quyết định thay đổi chính sách giáo dục hiện nay bằng một chính sách giáo dục tốt hơn thì anh cũng như nhiều giảng viên đại học ở nước ngoài sẽ xem xét quay trở lại Italy, nhưng anh biết điều đó hoàn toàn phi thực tế.

Để được vào làm việc tại một trường đại học ở Italy chỉ bằng năng lực bản thân là điều cực kỳ khó khăn trong khi những giáo sư quản lý, đầu ngành có quyền lực mạnh mẽ, họ tham gia trò chơi chính trị cục bộ và có ảnh hưởng lớn đối với những người được thuê giảng dạy.

Còn Valentina Cecco, chuyên gia về nhân quyền, người Italy hiện đang làm việc tại Brussels, Bỉ cũng cho rằng cô không thấy có tương lai ở Italy, hệ thống kinh tế chỉ là một phần mà lý do chính cô đi ra nước ngoài làm việc ở vấn đề về tâm lý.

Các nhà chính trị ở Italy không quan tâm đến cuộc sống của nhân dân, họ không muốn thay đổi hệ thống. Thậm chí nếu nền kinh tế được cải thiện, mọi thứ vẫn chẳng có gì thay đổi. Cô nhấn mạnh, hệ thống chính trị, xã hội ở Italy hiện nay không cho phép bạn trở thành một người lớn, có công việc và sống cuộc sống của riêng mình. Nhiều bạn của cô đang làm việc ở Italy chỉ với hợp đồng 6 tháng và không có nhiều cơ hội để tiếp tục kéo dài bản hợp đồng ngắn ngủi của mình.

Valentina Moressa, cô gái Italy đang làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng tại London nói rằng các cơ hội việc làm cô tìm thấy ở London sẽ không thể tìm thấy ở Italy.

Tại London cô có điều kiện làm việc theo đúng chuyên môn và năng lực của mình, trong khi đó tại Italy điều này lại phụ thuộc vào quan hệ của bản thân cũng như gia đình mình.

80% những người bạn cùng học trong trường đại học của cô đang làm việc tại Anh, Đức và một số nơi khác bên ngoài Italy. Những người bạn học ở lại tại Italy thì chỉ xoay sở, kiếm được việc nhưng chỉ với mức lương hoặc trách nhiệm thấp.

Cô nói rằng về phương diện văn hóa, Italy là nước mà ở đó mọi người tôn trọng những người lớn tuổi và kinh nghiệm mà họ có. Như trong chính phủ, đa số những người đang nắm giữ quyền lực ở Italy đều là những người không còn trẻ nữa và không có tiêu chuẩn nào để người trẻ nắm giữ vị trí quyền lực.

Đây là một trong những vấn đề chính trên thị trường việc làm Italy hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục