Theo phóng viên TTXVN tại Italy, cuộc khủng hoảng liên quan đến người di cư qua biển Địa Trung Hải đang có nguy cơ lan rộng tại Italy, đẩy nước này vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" và có thể dẫn đến căng thẳng với các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU).
Hôm 13/6, khoảng 200 người di cư, chủ yếu là người Bắc Phi gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã biểu tình ngồi dọc biên giới giữa Italy và Pháp khi cảnh sát Pháp không cho họ nhập cảnh vào nước này. Sau đó, cảnh sát Italy đã phải can thiệp giải tán và áp giải họ trở về thị trấn Ventimiglia giáp với Pháp, song dọc đường một số người đã bỏ trốn và ẩn náu trên ngọn núi gần biên giới.
Nguồn tin thân cận với Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết nước này không cho phép người di cư trái phép nhập cảnh vào Pháp khi toàn châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng di cư cao chưa từng thấy như hiện nay. Trong một tuần qua, cảnh sát Pháp đã ngăn chặn con số kỷ lục 1.439 người di cư vượt biên giới vào nước này, trong đó trao trả lại Italy hơn 1.000 người.
Việc các nước EU có chung đường biên giới với Italy tạm thời không tiếp nhận người di cư Bắc Phi đã dẫn đến việc những người muốn xin quy chế tị nạn tại EU bị mắc kẹt lại Italy. Các trung tâm tiếp nhận người di cư nước này đã quá tải với khoảng 76.000 người tạm trú. Trong khi hàng trăm người, bao gồm cả trẻ sơ sinh, phải ăn ngủ ngoài trời ngay sát nhà ga đường sắt ở thủ đô Rome, Milan, để chờ đợi được lên tàu hỏa sang nước khác. Chính quyền Rome đã phải dựng lều để họ tạm trú. Các nhân viên cứu trợ và Hội Chữ thập đỏ đã hỗ trợ họ về thức ăn và nước uống.
Vấn đề người di cư tràn ngập Italy đã gây chia rẽ sâu sắc trong chính giới nước này. Các đảng phái đối lập đã lên tiếng chỉ trích chính phủ chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề người di cư, thúc giục phải có tiếng nói để buộc các nước trong khối phải "chia sẻ gánh nặng" người di cư với Italy.
Đáp lại những lời công kích, Thủ tướng Matteo Renzi nhấn mạnh rằng, việc "reo rắc nỗi sợ hãi" đối với dân chúng về tình trạng khủng hoảng người di cư ở Italy là vô ích.
Ngày 24/6 tới đây, trong khuôn khổ Triển lãm thế giới EXPO 2015 ở Milan, Thủ tướng Renzi dự định sẽ gặp người đồng cấp Anh và Tổng thống Pháp để bàn về cuộc khủng hoảng người di cư. Hiện nay một số quốc gia EU phản đối biện pháp áp đặt chỉ tiêu tiếp nhận người tị nạn do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất. Cũng không có quốc gia nào tự nguyện tiếp nhận một số lượng nhất định người tị nạn.
Trong khi các bên chưa thống nhất được với nhau, các quốc gia có chung đường biên với Italy trong khối Hiệp ước Schengen đi lại tự do trong EU đã đóng cửa biên giới với nước này, chờ quyết định của chính phủ nước họ.
Theo dự kiến, các cuộc họp của EU trong tuần tới sẽ xoay quanh vấn đề di cư, trong đó có khả năng bàn tới việc cho hồi hương bắt buộc và ngay tức khắc một số lớn những người di cư không được chấp thuận đơn xin tị nạn./.