Italy cấp phép cập cảng cho 2 tàu cứu hộ chở hơn 100 người di cư

Italy đã cấp phép cập cảng cho 2 tàu từ thiện chở hơn 100 người di cư được cứu sống trên biển Địa Trung Hải, như một phần trong cơ chế tạm thời mà nước này cùng Pháp, Đức và Malta đã nhất trí.
Italy cấp phép cập cảng cho 2 tàu cứu hộ chở hơn 100 người di cư ảnh 1Tàu của những người di cư trước khi được cập cảng vào Italy. (Nguồn: Kantho)

Bộ Nội vụ Italy ngày 3/12 thông báo nước này đã cấp phép cập cảng cho 2 tàu từ thiện chở hơn 100 người di cư được cứu sống trên biển Địa Trung Hải, theo các điều khoản trong một thỏa thuận với các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Thông báo của Bộ trên nêu rõ Tàu Alan Kurdi của tổ chức từ thiện Sea-Eye sẽ neo đậu tại cảng Messina trên đảo Sicili, trong khi tàu Ocean Viking sẽ cập cảng tại Pozzallo cũng thuộc đảo này.

Hiện Ủy ban châu Âu (EC) đang triển khai thủ tục phân bổ 61 người trên tàu Alan Kurdi và 60 trường hợp trên tàu Ocean Viking.

Một số quốc gia châu Âu, trong đó có Đức và Pháp, đã đề nghị tiếp nhận và bố trí nơi ở cho một số người trong các trường hợp nói trên.

[104 người di cư cập cảng Italy sau khi Pháp và Đức đồng ý tiếp nhận]

Chính phủ Italy "bật đèn xanh" cho các tàu cứu trợ cập cảng nhờ cơ chế tạm thời mà nước này cùng Pháp, Đức và Malta đã nhất trí hồi tháng 9 vừa qua. Cơ chế mới cho phép việc tự động phân bổ người di cư trái phép được giải cứu tại Địa Trung Hải giữa các nước. Thỏa thuận này góp phần chấm dứt các cuộc đàm phán kéo dài dai dẳng vốn đang khiến hàng trăm người tìm kiếm tị nạn, trong đó có cả trẻ em, bị mắc kẹt trên biển.

Kể từ khi được ủy quyền mùa Hè năm 2018, tàu Alan Kurdi đã cứu sống gần 500 người trong các vụ đắm tàu trên Địa Trung Hải, trong đó hơn 80 trường hợp được cứu những ngày gần đây.

Hôm 28/11 vừa qua, tàu Ocean Viking cũng đã cứu sống 60 người di cư trên một chiếc thuyền gỗ ọp ẹp, trong đó có tới 19 trẻ nhỏ.

Theo số liệu được Cơ quan Kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) công bố hồi tháng 2 năm nay, số người di cư bất hợp pháp vào EU đã giảm mạnh trong năm 2018. Tuy nhiên, hàng nghìn người muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói và xung đột từ Trung Đông và châu Phi vẫn bất chấp nguy hiểm để vượt biển. Làn sóng nhập cư đã làm gia tăng căng thẳng chính trị và thúc đẩy tư tưởng của các đảng phái cực hữu phản đối nhập cư tại châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục