Ngày 17/3, Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani cho biết nước này sẽ cần ít nhất là 3 năm để thay thế hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga bằng các nguồn năng lượng khác.
Phát biểu tại Thượng viện Italy, Bộ trưởng Cingolani nói rằng việc thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga là "có thể thực hiện được trong khoảng thời gian tối thiểu là 3 năm."
Tuy nhiên, ông cho biết Italy có thể thay thế 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga mỗi năm (20 tỷ m3) trong "ngắn và trung hạn" bằng một loạt biện pháp bao gồm tăng nhập khẩu khí đốt từ Algeria thêm 9 tỷ m3 và tăng sản lượng điện, được sản xuất bằng than và dầu để thay thế 3-4 tỷ m3 khí đốt.
Các biện pháp khác bao gồm việc tăng nhập khẩu điện từ Bắc Âu và sử dụng thêm khoảng 6 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Rome hiện nhập khẩu khoảng 30 tỷ m3 khí đốt từ Nga mỗi năm - chiếm khoảng 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu, và đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng để đối phó với tình hình căng thẳng tại Ukraine.
[Italy đặt mục tiêu giảm phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga]
Kể từ khi Nga tiến hành hoạt động đặc biệt liên quan tới Ukraine, Italy đã tăng cường nỗ lực để đảm bảo các nguồn khí đốt thay thế, trong đó Qatar giàu LNG là tâm điểm chú ý đặc biệt. Quy trình cấp phép phức tạp của Italy hầu như đã làm ngừng sự phát triển các cơ sở LNG ngoài 3 nhà máy đang hoạt động, hiện chiếm khoảng 20% lượng nhập khẩu hàng ngày.
Bộ trưởng Cingolani cho biết các trạm chứa và chuyển hóa khí đốt sang thành phẩm nổi trên biển (FSRU) có thể được lắp đặt sau 12-18 tháng kể từ khi nhận được giấy phép, có thể cung cấp 16-24 tỷ m3 khí đốt. Hai trạm LNG trên bờ, với tổng công suất 20 tỷ m3 và đã có giấy phép, sẽ mất 3-4 năm.
Ông nói: “Để làm được điều này, chúng tôi đang kiểm tra tình trạng của các giấy phép."
Theo ông Cingolani, các biện pháp dài hạn để cố gắng lấp đầy khoảng trống khí đốt Nga bao gồm tăng gấp đôi công suất của Đường ống xuyên Adriatic (TAP) vận chuyển khí đốt của Azerbaijan, sản xuất 8 gigawatt năng lượng tái tạo mỗi năm và tăng gấp đôi sản lượng khí đốt trong nước.
Giống như các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác, Italy đã phải "vật lộn" để kiềm chế chi phí năng lượng tăng cao. Chính phủ dự kiến sẽ thông qua một gói mới để hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp./.