Cảnh sát thủ đô Rome (Italy) kết hợp với các lực lượng chống mafia vùng Sicily, Abruzzo, Emilia Romagna và Lazio đã bắt 44 người và điều tra 21 người khác trong giai đoạn 2 của chiến dịch truy quét "mafia thủ đô."
Được mở ra cuối năm 2014 nhằm tiêu diệt một hệ thống mafia đã ăn sâu bén rễ vào chính quyền thủ đô Italy và được cho là gây thiệt hại lớn cho nhà nước nhờ sự cấu kết chặt chẽ giữa mafia và các quan chức tham nhũng, chuyên án mang tên "Trung địa" này đã tạo ra một cú sốc lớn đối với nền chính trị Italy.
Theo cảnh sát Italy, trùm mafia Massimo Carminati và Stefano Buzzi, cánh tay phải của hắn, đã bị bắt hồi cuối năm ngoái, khi scandal bùng nổ, đã cầm đầu một đường dây tham nhũng lớn, với các hoạt động như rửa tiền, gian lận, hối lộ, mua chuộc nhằm xâu xé các gói thầu xây dựng cơ bản có giá trị lên đến hàng trăm triệu euro. Vụ bắt 44 người sáng 4-6 nhắm vào một "dịch vụ" khác mà hệ thống mafia này kiểm soát: tham nhũng trong các hoạt động liên quan đến việc xây dựng và điều hành các trung tâm tiếp nhận người nhập cư ở thủ đô Rome và một số vùng ở Italy.
Hầu hết những người bị bắt trong đợt 2 của chiến dịch là các chính trị gia và quan chức trong chính quyền địa phương ở Rome và các vùng kể trên. Trong số những người này có Luca Grammazio, từng là người đứng đầu của nhóm chính trị gia đảng Forza Italia của cựu Thủ tướng Berlusconi trong chính quyền vùng Lazio. Grammazio, cùng với một loạt quan chức khác của chính quyền Rome và các thành phố nhỏ trong vùng này, bị cáo buộc đã "phối hợp" với băng mafia của Carminati để "thâm nhập" vào chính quyền địa phương nhằm chia chác các gói thầu liên quan đến xây dựng. Theo các nhà điều tra, đánh đổi lại việc tạo điều kiện cho mafia kiểm soát một số hoạt động của chính quyền Rome, những người này được nhận những khoản "lương tháng" từ vài nghìn đến vài chục nghìn euro.
Các vụ tham nhũng hàng loạt này diễn ra trong thời kì ông Gianni Alemanno, một chính trị gia cánh hữu, làm thị trưởng, từ năm 2008 đến 2013. Các đoạn băng ghi âm của cảnh sát cũng cho thấy, các đối tượng bị bắt đã nhắc đến tên ông trong nhiều cuộc đàm thoại, trong đó tiết lộ một băng đảng mafia 'Ndrangheta thuộc vùng Calabria, miền Nam Italy, có khả năng đã dính líu đến việc "hỗ trợ" ông Alemanno trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu hồi tháng 5/2014. Tuy nhiên, ông Alemanno không nằm trong diện bị bắt và điều tra. Các nguồn tin của cảnh sát Italy cũng như các Viện công tố địa phương liên quan đến chuyên án cho hay, cuộc điều tra sẽ chưa dừng lại và có thể sẽ có thêm nhiều cuộc bắt bớ mới.
"Mafia thủ đô" là bê bối lớn nhất liên quan đến sự dính líu của chính quyền Rome và vùng Lazio với mafia trong nhiều năm qua. Trước đó, Italy đã chấn động bởi việc cảnh sát bắt giữ hàng loạt quan chức thành phố Milan cũng như các chủ thầu xây dựng dự án triển lãm thế giới EXPO 2015, sau khi phát hiện được việc nhiều quan chức đã lợi dụng vị trí của mình để "phân phát" các gói thầu trị giá hàng tỷ euro cho những công ti quen biết nhằm ăn hoa hồng. Theo báo cáo mới công bố của tổ chức Transparence International, Italy là nước đứng đầu Châu Âu về mức độ tham nhũng.
Massimo Carminati, từng là một thành viên khủng bố nổi tiếng của nhóm cực hữu NAR và băng đảng tội phạm Magliana, hoạt động rất mạnh trong những năm 1970 và 1980. Theo Viện công tố Rome, chính Carminati là người đứng đầu một hệ thống mafia quen biết với các quan chức bị điều tra và bị bắt. Theo Viện công tố Rome, nhóm mafia này hoạt động ở thủ đô và là người Rome, không có quan hệ gì với 4 hệ thống mafia truyền thống của miền Nam Italy. Trưởng công tố Pignatore, trong một thông cáo báo chí phát đi hồi cuối năm 2014, khẳng định rằng, mafia thủ đô không có một kết cấu cụ thể như các nhóm mafia miền Nam, nhưng "đang phát triển, có khả năng để tạo thành một hệ thống và hoạt động mạnh mẽ."
Sau khi các vụ bắt giữ hôm 4-6 xảy ra, thủ lĩnh đối lập Matteo Salvini đã lên tiếng đòi đương kim thị trưởng Rome Ignazio Marino từ chức. Hiện tại, đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền mà ông Marino là một thành viên đang chịu rất nhiều áp lực từ các đối thủ chính trị trong các cải cách của mình./.