Ít tiến triển trong đàm phán về tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 16/2 đã đưa ra tuyên bố nước này không sắp xếp khung thời gian để ký kết một hiệp ước hòa bình thời hậu chiến với Nhật Bản.
Ít tiến triển trong đàm phán về tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật ảnh 1Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono trong cuộc gặp tại Moskva ngày 14/1/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nga không sắp xếp khung thời gian để ký kết một hiệp ước hòa bình thời hậu chiến với Nhật Bản. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 16/2 đã đưa ra tuyên bố trên sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono bên lề Hội nghị An ninh Munich tại Đức.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Lavrov một lần nữa nhấn mạnh Nhật Bản cần phải công nhận chủ quyền của Moskva đối với quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Nhật Bản cho đến nay vẫn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo gồm 4 đảo Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan, mà Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan.

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương. Gần đây, hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo trên.

[Cùng đi "lòng vòng", Nga-Nhật lỡ hẹn thu hẹp bất đồng]

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono cho biết hai bên đã trao đổi chi tiết nhằm tìm kiếm một giải pháp cùng chấp thuận nhận cho vấn đề này. Ông khẳng định các cuộc thương lượng về hiệp ước hòa bình không thể dễ dàng đạt được và hai nước cần tiếp tục kiên trì đàm phán.

Kết thúc hội đàm, người đứng đầu Bộ Ngoại giao hai nước nhất trí tiến hành vòng đàm phán tiếp theo tại Nhật Bản. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Nga sẽ sớm gặp nhau để sắp xếp lịch trình cho cuộc đàm phán mới.

Cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Nga và Nhật Bản nói trên diễn ra sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe tại Moskva hồi tháng 1/2019 bàn về vấn đề tranh chấp biển đảo, song cũng đạt được ít tiến bộ.

Trước đó, hồi tháng 11/2018, lãnh đạo hai nước đã nhất trí xúc tiến các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình trên cơ sở tuyên bố chung nhất trí đẩy mạnh đàm phán dựa trên tuyên bố chung ký kết năm 1956, theo đó hai đảo nhỏ là Habomai và Shikotan trong nhóm đảo tranh chấp trên sẽ được trao lại cho Nhật Bản sau khi hai nước ký kết một Hiệp ước hòa bình.

Theo giới phân tích, những tuyên bố của Ngoại trưởng Nga được xem như "giội gáo nước lạnh" đối với mong chờ của giới chức Tokyo về việc hai nước sẽ đạt được một hiệp ước hòa bình vào tháng 6 tới khi Tổng thống Putin tới Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Diễn biến này cũng cho thấy dường như nỗ lực giải quyết bất đồng giữa hai nước liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ kéo dài nhiều thập kỷ qua vẫn chưa có tiến triển.

Theo Tuyên bố chung 1956 Liên Xô-Nhật Bản, đảo Habomai và Shikotan theo cách gọi của Nhật (Nga gọi là Khabomai và Shicotan), hai đảo nhỏ trong số bốn đảo thuộc nhóm đảo tranh chấp, sẽ được trao trả cho Nhật Bản sau khi hai bên hoàn tất hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, hiện nay, hai nước vẫn bất đồng về vấn đề công nhận chủ quyền của hai hòn đảo này.

Tokyo cho rằng việc trao trả hai đảo trên đồng nghĩa với việc công nhận chủ quyền của Nhật Bản với nhóm đảo này. Hai hòn đảo trên chỉ chiếm 7% trong tổng số diện tích của nhóm đảo tranh chấp vốn có diện tích 5.000km2 với vùng biển liền kề được đánh giá có nguồn tài nguyên hải sản dồi dào. Trừ đảo Habomai/Khabomai không có người sinh sống, hiện tại, gần 17.000 người Nga cư trú trên ba hòn đảo còn lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục