Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, hiện có cảnh báo về khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm nhưng Việt Nam ít có khả năng xảy ra hiện tượng trên.
Thông tin trên vừa được Bộ trưởng nêu lên tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 2/7.
Tốc độ tăng trưởng giảm dần
Theo Bộ trưởng, các cuộc khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm trước đây chủ yếu có nguyên nhân từ khu vực tài chính tiền tệ và bất động sản. Tuy nhiên, tình hình những khu vực này ở Việt Nam hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Bộ trưởng lấy ví dụ về việc hiện lãi suất đang ổn định, thị trường chứng khoán sau một thời gian tăng trưởng nóng đã có điều chỉnh, thị trường bất động sản hạ nhiệt, tín dụng cho bất động sản được quản lý hiệu quả.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam hiện ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm.
[CPI tăng vì nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý lên giá]
Nói về tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng cho hay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.
Tuy vậy, vấn đề được Bộ trưởng nêu lên là mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý 1 đã giảm xuống còn 6,79% của quý 2 và 7,08% của 6 tháng.
Mức tăng trưởng này tuy vẫn ở mức khá nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm theo Bộ trưởng cần có mức tăng trưởng khoảng 6,53% vào quý 3 và 6,36% vào quý 4.
Theo ông, một số tổ chức quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 ở mức khá. Đơn cử là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam đạt khoảng 6,6% và là mức tăng tốt nếu so sánh với các nước trong khu vực. Ngân hàng Thế giới cũng nâng mức dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 6,8%.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, để đạt được mục tiêu 6,7% thì Việt Nam cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa.
Đây cũng là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở. Thủ tướng cảnh báo việc quý 3, 4 vẫn phải giữ mức tăng trưởng 6,53% và 6,36% trong điều kiện kinh tế thế giới phức tạp, đặc biệt là việc Fed tiếp tục tăng lãi suất và chiến thương mại có thể xảy ra.
Lo khó kiểm soát CPI
Nói riêng về lạm phát, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tình hình hiện vẫn trong kiểm soát.
Tuy nhiên, liên tiếp hai tháng Năm và Sáu, Bộ trưởng chỉ ra, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng Năm là 0,55%, tháng Sáu là 0,61%. Đây là mức tăng cao và Bộ trưởng đánh giá, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%.
Bộ trưởng cũng chỉ ra thực tế, giá dầu thế giới đã có xu hướng chững lại, giảm được sức ép lên giá cả, lạm phát trong nước và kích thích sản xuất.
Tuy nhiên, ở hướng khác, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ lo lắng về 2 đợt giá cả có thể tăng cao, là dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm.
Nói về vấn đề này, Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát không quá 4%.
“Các bộ, ngành địa phương đều có trách nhiệm trong việc này,” Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Theo Thủ tướng, giá cả một số dịch vụ như y tế chỉ khi nào đủ điều kiện mới điều chỉnh trên tinh thần là lạm phát không quá 4%./.