Israel theo đuổi đường lối cứng rắn hơn đối với hồ sơ Iran

Thủ tướng Naftali Bennett kêu gọi tất cả các nước tham gia đàm phán với Iran ở Vienna cần có lập trường vững chắc và nêu rõ với Iran rằng họ không thể làm giàu urani và Iran phải bắt đầu trả giá.
Kỹ thuật viên làm việc tại cơ sở hạt nhân Isfahan, cách thủ đô Tehran của Iran 420km về phía nam. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo AP, việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran bị trì hoãn lâu nay đã có một khởi đầu khó khăn khi Tehran tỏ thái độ cứng rắn và các đối tác đàm phán của họ công khai bày tỏ sự thất vọng và bi quan.

Sau 5 ngày đàm phán tại Vienna kết thúc vào tuần trước, phía Mỹ tuyên bố Iran không tỏ ra nghiêm túc. Các nhà ngoại giao châu Âu cáo buộc Iran đã quay lưng lại với những cam kết trước đó.

Ngay cả Nga, quốc gia có quan hệ chặt chẽ hơn với Iran, cũng đặt câu hỏi về cam kết của Iran đối với tiến trình này. Israel, một quan sát viên bên ngoài quan tâm đến kết quả của các cuộc đàm phán, đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về vấn đề này và cử 2 quan chức an ninh hàng đầu đến Washington để tham vấn.

Thủ tướng Naftali Bennett kêu gọi “tất cả các nước tham gia đàm phán với Iran ở Vienna cần có lập trường vững chắc và nêu rõ với Iran rằng họ không thể làm giàu urani và đàm phán cùng một lúc. Iran phải bắt đầu trả giá cho những vi phạm của họ.”

[Iran và các cường quốc nối lại đàm phán cứu vãn thỏa thuận JCPOA]

Có lẽ kết quả đáng khích lệ nhất của cuộc đàm phán tuần trước là một thỏa thuận về việc tiếp tục đối thoại. Khi các nhà đàm phán gặp lại nhau trong những ngày tới, điều đó có thể trở nên rõ ràng hơn nếu những bất đồng có thể thấy rõ tại vòng đàm phán mới đây là một dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hoặc thổi phồng.

Các cuộc đàm phán nhằm tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc trên thế giới. Thỏa thuận đó, với sự đóng góp tích cực của Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama, đã cho phép nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Iran vốn làm tê liệt nền kinh tế nước này để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Nhưng 3 năm sau, Tổng thống Donald Trump, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Thủ tướng Israel lúc bấy giờ là Benjamin Netanyahu, đã rút khỏi thỏa thuận, khiến nó phá sản. Kể từ đó, Iran đã tăng cường các hoạt động hạt nhân của họ - xây dựng kho dự trữ urani được làm giàu ở cấp độ cao vượt xa mức giới hạn của thỏa thuận hạt nhân 2015.

Tuần trước, Iran đã thể hiện lập trường cứng rắn, cho rằng bất cứ điều gì đã thảo luận trong các vòng đàm phán ngoại giao trước đó có thể được đàm phán lại. Trong khi đó, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc xác nhận Iran đã bắt đầu làm giàu urani có độ tinh khiết lên tới 20% tại cơ sở hạt nhân bí mật dưới lòng đất ở Fordo - vốn không được phép làm giàu urani theo thỏa thuận.

Bất chấp những tuyên bố của Iran rằng các hoạt động hạt nhân của họ chỉ vì mục đích hòa bình, những tiến bộ liên tục trong chương trình nguyên tử của nước này đã làm tăng thêm rủi ro.

Các cuộc đàm phán tại Vienna hồi tuần trước diễn ra sau hơn 5 tháng gián đoạn và là cuộc đàm phán đầu tiên mà chính phủ theo đường lối cứng rắn mới của Iran tham gia. Mỹ, không còn là một bên của thỏa thuận, đã tham gia cuộc đàm phán từ xa thông qua các trung gian hòa giải.

Cuối tuần qua, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các nhà đàm phán đã mong đợi Iran “thể hiện sự nghiêm túc” tại các cuộc đàm phán.

Ông cho biết cả Nga và Trung Quốc, những đối tác thương mại quan trọng đối với Iran vốn có truyền thống có quan điểm mềm mỏng hơn, cũng lo ngại về triển vọng đạt được một thỏa thuận. Quan chức giấu tên này nói: “Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi càng tiến gần hơn tới kết luận rằng họ không có ý định quay lại thỏa thuận.”

Các nhà đàm phán châu Âu cũng bày tỏ thất vọng. Trong một tuyên bố chung, các nhà ngoại giao cấp cao của Đức, Anh và Pháp nhấn mạnh Iran đã “đẩy nhanh chương trình hạt nhân của họ” và “cản trở tiến trình ngoại giao.”

Tuyên bố viết: “Không rõ làm thế nào để thu hẹp những khoảng cách mới này trong một khung thời gian thực tế dựa trên các kế hoạch dự thảo của Iran.”

Mikhail Ulyanov, nhà ngoại giao cấp cao của Nga tại Vienna, cho biết Iran đã đề nghị “xem xét lại triệt để” cách diễn giải các điều khoản trong thỏa thuận trước đây.

Ông nói: “Về mặt kỹ thuật, các sửa đổi luôn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, điều mong muốn là những sửa đổi như vậy... không trở thành rào cản cho sự tiến triển của các cuộc đàm phán.”

Hôm 5/12, Bộ Ngoại giao Iran đã công bố một tài liệu dài 9 trang cho thấy có vẻ như Tehran sẽ từ bỏ quan điểm cứng rắn của nước này. Tài liệu viết: “Các bên khác chỉ cần thể hiện quyết tâm chính trị và bày tỏ sự sẵn sàng thực hiện các bước thiết thực cần thiết. Sau đó, các con đường sẽ được mở ra để đi đến một thỏa thuận và giải quyết những khác biệt.”

Tài liệu cũng đưa ra một số chi tiết cụ thể về những gì Iran có thể nghĩ đến. Điều đó chắc chắn không thể làm hài lòng Israel, quốc gia đã trở lại vai trò là kẻ phá hoại thỏa thuận. Israel coi Iran là kẻ thù lớn nhất và nước này phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Tel Aviv cho biết họ muốn có một thỏa thuận được cải thiện nhằm đưa ra các hạn chế chặt chẽ hơn đối với chương trình hạt nhân của Iran, giải quyết chương trình tên lửa tầm xa của Iran cũng như sự hậu thuận của Tehran cho các tổ chức ủy nhiệm thù địch dọc biên giới Israel.

Israel cũng cho rằng các cuộc đàm phán phải đi kèm với sự đe dọa quân sự “đáng tin cậy” để đảm bảo rằng Iran không trì hoãn vô thời hạn. Thủ tướng Bennett cho biết Israel đang sử dụng thời gian tạm nghỉ giữa các cuộc đàm phán để thuyết phục Mỹ “sử dụng một bộ công cụ khác” chống lại chương trình hạt nhân của Iran mà không cần giải thích chi tiết.

David Barnea, người đứng đầu Cơ quan tình báo Israel (Mossad), đã tới Washington hôm 5/12 và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cũng sẽ đến Mỹ vào cuối tuần này.

Khi chào đón tân Đại sứ Mỹ tại Israel, Thomas Nides hôm 5/12, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã đưa ra một thông điệp thẳng thừng khác thường: “Nếu cộng đồng quốc tế không có lập trường mạnh mẽ về vấn đề này, Israel sẽ làm điều đó. Israel sẽ tự bảo vệ mình.”

Bất chấp sự ủng hộ của Israel đối với việc Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2018, những tiếng nói có trọng lượng ở Israel hiện nay cho rằng động thái này là một sai lầm. Cựu Thủ tướng Ehud Barak đã viết trên nhật báo Yediot Ahronot hôm 5/12 rằng rút quân “là một quyết định ảo tưởng cho phép Iran nhanh chóng tiến tới việc trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.”

Theo ông Barak, Netanyahu đã thất bại trong việc cùng Mỹ đưa ra “Kế hoạch B dưới hình thức đánh đòn quân sự phủ đầu.”

Trong thập kỷ qua, Iran đã làm phức tạp hơn rất nhiều bất kỳ hoạt động quân sự nào bằng cách phân tán các cơ sở hạt nhân và xây một số cơ sở nằm sâu dưới lòng đất. Các quan chức Israel khẳng định hành động quân sự vẫn có thể xảy ra.

Yoel Guzansky, nhà nghiên cứu cấp cao và là chuyên gia về Iran tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia của Israel, cho rằng các mối đe dọa đối với Israel cần được xem xét nghiêm túc, đặc biệt là trước những câu hỏi về việc Mỹ có sẵn sàng sử dụng vũ lực trong khu vực.

Cuối tuần qua, Iran cho biết họ đã thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không gần cơ sở hạt nhân Natanz. Vào cuối ngày 4/12, những người ở gần khu vực đó nhìn thấy ánh sáng trên bầu trời và nghe thấy một tiếng nổ lớn. Truyền hình nhà nước Iran dẫn lời sỹ quan chỉ huy Ali Moazeni nói: “Bất kỳ mối đe dọa nào từ kẻ thù sẽ được đáp trả bằng một phản ứng dứt khoát và chắc chắn”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục