Israel thành lập Chính phủ mới: Cục diện bấp bênh trên chính trường

Chính phủ mới được gọi là “chính phủ thay đổi” theo nghĩa sẽ mang lại sự thay đổi lớn lao cho Israel, với những cam kết nỗ lực hàn gắn bất đồng giữa các thành phần xã hội...
Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett (giữa) trong cuộc họp nội các đầu tiên của Chính phủ mới tại Jerusalem. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett (giữa) trong cuộc họp nội các đầu tiên của Chính phủ mới tại Jerusalem. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau nhiều đồn đoán về số phận của chính phủ mới tại Israel, liên minh 8 đảng đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội, chính thức thành lập được chính phủ thứ 36 của Nhà nước Do Thái.

Với 60 phiếu ủng hộ, liên minh đối lập đã có được thắng lợi mong manh để giành quyền điều hành đất nước, đẩy cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người giữ cương vị thủ tướng lâu nhất tại Israel, vào thế đối lập.

Chính phủ mới cũng ghi nhận nhiều kỷ lục mới, trước hết có vị thủ tướng đầu tiên là nhân vật Do Thái chính thống.

Theo thỏa thuận giữa các bên trong liên minh, ông Naftali Bennett - Chủ tịch đảng Yamina - sẽ đảm nhiệm chức thủ tướng luân phiên tới cuối tháng 8/2023, sau đó bàn giao lại cho Chủ tịch đảng Yesh Atid.

Ông Bennett xuất thân trong một gia đình cả cha mẹ đều là người Do Thái nhập cư từ Mỹ, chịu ảnh hưởng lớn từ quan điểm tôn giáo vừa chính thống vừa hiện đại của cha mẹ.

Tiếp theo, là chính phủ mới của Israel có sự tham gia của nhiều phe phái đa dạng, thậm chí đối lập, gồm cánh hữu (Yamina, Yisrael Beiteinu, Hy vọng mới), trung dung (Yesh Atid, Xanh Trắng), cánh tả (Lao động, Meretz) và Arab (Ra'am).

Đây là lần đầu tiên Chính phủ Israel có sự tham gia của một đảng Arab, đồng thời có số nữ chính khách tham gia nhiều nhất từ trước tới nay với 9 ghế trong các bộ.

[Chính phủ liên minh mới của Israel tuyên thệ nhậm chức]

Chính phủ mới được gọi là “chính phủ thay đổi” theo nghĩa sẽ mang lại sự thay đổi lớn lao cho Israel, với những cam kết nỗ lực hàn gắn bất đồng giữa các thành phần xã hội, củng cố nền tảng của một Nhà nước Do Thái và dân chủ, triển khai các chương trình đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng.

Chính phủ liên minh Bennet-Lapid đã có một số khởi đầu thuận lợi như quá trình bỏ phiếu và thông qua diễn ra trong bầu không khí khá yên bình, cũng như nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây.

Israel thành lập Chính phủ mới: Cục diện bấp bênh trên chính trường ảnh 1Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett trong cuộc họp nội các đầu tiên. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trái với một số dự báo về khả năng một số nghị sỹ sẽ kích động hay biểu tình và đụng độ giữa những người ủng hộ - phản đối ông Netanyahu, các nghị sĩ do dự hoặc phản đối đều không cản trở việc thành lập chính phủ mới, không xảy ra tình trạng hỗn loạn tại nghị trường cũng như không có các cuộc biểu tình lớn và xung đột nào giữa hai phe.

Điều này cho thấy phe ủng hộ ông Netanyahu cũng đã có sự chuẩn bị và chấp nhận thất bại trong hòa bình, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao quyền lực. Trên thực tế, trước cuộc bỏ phiếu tại quốc hội, đảng Likud đã cam kết chuyển giao trong hòa bình và ông Netanyahu đến nay chưa có dấu hiệu "gây khó dễ" cho tân Thủ tướng Bennett.

Không chỉ vậy, "chính phủ thay đổi" còn nhận được sự ủng hộ khá mạnh mẽ từ Mỹ và các nước phương Tây, cho thấy dấu hiệu khả quan trong thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Israel thời gian tới.

Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chúc mừng và điện đàm với tân Thủ tướng Israel, cho hay ông "mong đợi làm việc cùng với Thủ tướng Bennet nhằm củng cố mọi mặt trong quan hệ gần gũi và bền vững giữa hai quốc gia."

Chính phủ Mỹ cũng cam kết hợp tác với chính phủ mới của Israel nhằm thúc đẩy an ninh, ổn định và hòa bình cho người Israel, Palestine và người dân ở khu vực nói chung. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng đã điện đàm với những người đồng cấp Israel ngay sau khi chính phủ mới của Israel tuyên thệ nhậm chức.

Hàng loạt lãnh đạo các nước phương Tây cũng đã lên tiếng chúc mừng tân Thủ tướng Bennett và chính phủ mới tại Israel, trong đó có Đức, Anh, Canada, Áo, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu. Các nước và tổ chức này đều bày tỏ mong muốn củng cố quan hệ hơn nữa với Israel trong thời gian tới.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier còn dự kiến thăm cấp nhà nước tới Israel trong cuối tháng 6, đầu tháng 7 để thảo luận với các nhà lãnh đạo mới của nước này về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương.

Từ châu Á, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người vốn có quan hệ thân cận với cựu Thủ tướng Netanyahu, cũng đã đăng tải trên Twitter lời chúc mừng ông Bennett.

Tuy vậy, chính phủ thứ 36 của Israel cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, từ cả góc độ đối nội và đối ngoại. Thứ nhất, chính phủ mới sẽ phải sẵn sàng ứng phó với sự chống đối từ phe đối lập trong quốc hội do cựu Thủ tướng Netanyahu dẫn đầu. Mặc dù chấp nhận thất bại, nhưng ông Netanyahu tuyên bố sẽ trở lại và chống các đảng cầm quyền.

Trước đó, ông cũng đã công khai đe dọa sẽ nhanh chóng lật đổ chính phủ mới vì cho rằng chính phủ mới không đủ tầm nhìn cũng như khả năng trong các vấn đề như Iran và Palestine.

Thứ hai, chính phủ mới cũng sẽ phải nỗ lực để duy trì sự đoàn kết, gắn bó, tránh nguy cơ tan vỡ trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Trên thực tế, chính phủ liên minh hiện nay bao gồm quá nhiều phe, được thống nhất nhờ lập trường phản đối ông Netanyahu, thay vì những tầm nhìn chính sách chung. Thỏa thuận liên minh này có nền tảng là sự liên kết giữa hai đảng Yesh Atid và Yamina và cam kết về "một chính phủ không có ông Netanyahu."

Trong khi đó, quan điểm và lợi ích chính trị của từng phe phái, kể cả từng đảng lại có sự khác biệt không nhỏ, thậm chí đối lập gay gắt trong không ít vấn đề cơ bản, chẳng hạn như chính sách đối với người Palestine, giải pháp hai nhà nước hay ưu đãi miễn nghĩa vụ quân sự cho người theo Do Thái chính thống. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Chính phủ Israel sẽ có sự tham gia của đảng Arab Ra’am, một nhánh mở rộng của Phong trào Hồi giáo Palestine.

Để ngăn chặn nguy cơ tan rã liên minh trước thời hạn, các đảng đã cam kết chia sẻ quyền lực, theo đó thủ lĩnh của hai đảng Yesh Atid và Yamina là ông Naftali Bennett và Yair Lapid ngoài việc luân phiên làm thủ tướng sẽ chia nhau quyền phủ quyết.

Trong trường hợp có đại biểu quốc hội đề xuất một chủ trương để chính phủ hoặc cấp liên bộ thảo luận, đề xuất này cần phải được cả hai "thủ tướng" Bennett và Lapid cùng chấp thuận. Đồng thời, số phiếu của các thành viên chính phủ sẽ được chia đều cho hai phe trong liên minh, phe tả và phe hữu; mỗi "thủ tướng" kiểm soát một phe.

Nghị quyết của chính phủ liên minh cần phải có chữ ký đồng thời của hai đảng Yesh Atid với Yamina, cũng như giữa khối 6 đảng với đảng Yesh Atid. Tuy nhiên, việc giải quyết các bất đồng về lợi ích không phải dễ dàng; và nếu không được xử lý một cách thỏa đáng, nguy cơ gây rạn nứt và tan rã liên minh là điều khó tránh.

Thứ ba, mặc dù nhận được sự ủng hộ ban đầu tương đối mạnh mẽ từ Mỹ và các nước phương Tây, song quan hệ Mỹ-Israel cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, xuất phát từ sự khác biệt trong quan điểm đối với các vấn đề cơ bản.

Trong vấn đề hạt nhân Iran, Chính phủ của Thủ tướng Bennett có khả năng sẽ tiếp cận mềm mỏng hơn so với chính quyền trước, song về cơ bản Israel vẫn phản đối chương trình hạt nhân Iran và kế hoạch của chính quyền Tổng thống Biden trở lại với thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Israel thành lập Chính phủ mới: Cục diện bấp bênh trên chính trường ảnh 2Người dân Israel đổ xuống đường phố Tel Aviv, mừng Chính phủ mới được thành lập. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngay trong bài phát biểu trước khi nhậm chức, tân Thủ tướng Bennett cảnh báo "Israel sẽ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân," đồng thời gửi thông điệp tới Washington rằng "trở lại thỏa thuận hạt nhân là một sai lầm."

Chính sách đối với người Palestine cũng sẽ là một trong những vướng mắc không nhỏ trong quan hệ Mỹ-Israel. Tân Thủ tướng Bennett với quan điểm phản đối thành lập Nhà nước Palestine, ủng hộ mở rộng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây, sẽ ít có khả năng thỏa hiệp lớn trong các vấn đề này.

Ngoài ra, các đảng cánh hữu cũng sẽ tìm cách duy trì chính sách thù địch với Palestine, dựa trên quan điểm và đường lối của họ. Trên thực tế, trong nội dung của thỏa thuận liên minh có đề cập tới các vấn đề như tiếp tục duy trì sự kiểm soát hoàn toàn an ninh và dân sự tại vùng C thuộc Bờ Tây và ngăn chặn hoạt động xây dựng của người Palestine. Chủ trương này khác biệt với quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nhiều lần khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước và phản đối các kế hoạch định cư của Israel ở Bờ Tây.

Thứ tư, chính phủ mới cần tìm cách mở rộng quan hệ với các nước Arab và Hồi giáo trong khu vực. Thỏa thuận Abraham thiết lập quan hệ chính thức giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc là nền tảng thuận lợi để Israel tiếp tục phá vỡ thế bao vây về ngoại giao lâu nay của thế giới Arab.

Tuy nhiên, viêc Thủ tướng Bennett cũng như Ngoại trưởng Lapid (đồng thời là thủ tướng luân phiên) thiếu kinh nghiệm và uy tín quốc tế sẽ khiến Israel gặp khó khăn trong vấn đề này, nhất là trong bối cảnh Mỹ chưa có dấu hiệu thúc đẩy xu hướng bình thường hóa quan hệ Israel- Arab.

Thứ năm, vấn đề Jerusalem là một thách thức an ninh, chính trị trực tiếp và cấp bách đối với chính phủ mới. Phán quyết của Israel cưỡng chế thu hồi đất của các gia đình Palestine tại khu vực Sheikh Jarrah ở Jerusalem, cuộc diễu hành của người Do Thái kỷ niệm Ngày Jerusalem, hoạt động tiếp cận Núi Đền... sẽ là những vấn đề nóng có thể làm bùng phát biểu tình và đụng độ giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel.

Điều này có thể dẫn tới phong trào Hamas tại Dải Gaza can thiệp, khiến xung đột bạo lực tái diễn, trong bối cảnh các phe nhóm và người dân ngày càng có xu hướng coi trọng ảnh hưởng của Hamas tại Palestine.

Có thể nói, mặc dù đã vượt qua khó khăn lớn đầu tiên để đi vào hoạt động, chính phủ liên minh của Israel sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để giải quyết một loạt thách thức, cả nội bộ lẫn khách quan, mới có thể tránh được nguy cơ tan rã trước thời hạn và đưa nền chính trị Israel tới sự ổn định bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục