Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, từ 17 giờ ngày 27/12 giờ địa phương (22 giờ giờ Việt Nam cùng ngày), Israel bắt đầu thực hiện đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba trong năm nay để phòng dịch COVID-19.
Đợt phong tỏa lần này dự kiến kéo dài ít nhất 2 tuần. Trong thời gian phong tỏa, người dân không được đến nhà người khác, không được đi ra ngoài bán kính 1.000 mét cách nơi sinh sống, ngoại trừ các mục đích như đi tiêm phòng dịch, khám chữa bệnh, tập thể dục cá nhân, đi làm hoặc đi học ở những địa điểm được cấp phép..., với điều kiện tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội. Mức phạt cho mỗi trường hợp vi phạm là 500 NIS (khoảng 155 USD).
Ngoài ra, các hoạt động công cộng như mua sắm, giải trí cũng sẽ phải tạm ngừng, trừ các cửa hàng phục vụ các mặt hàng thiết yếu. Trường phổ thông sẽ tạm cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 10 nghỉ học.
Các cơ quan, doanh nghiệp chỉ được phép nhiều nhất 10 người hoặc không quá 50% tổng số nhân viên đến chỗ làm, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Trước đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel đang trong “thời điểm hệ trọng,” vì vậy người dân cần “tuân thủ đợt phong tỏa ngắn hạn và chặt chẽ” này.
[Dịch COVID-19: Israel thực hiện phong tỏa trên toàn quốc lần thứ 3]
Theo ông, với chiến dịch tiêm vắcxin khẩn cấp kết hợp với lệnh phong tỏa, Israel sẽ “thanh toán” dịch COVID-19 trong vài tuần và sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới làm được việc này.
Mặc dù đợt phong tỏa lần này được dự đoán sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Israel khoảng 1,5-3 tỷ USD, song Quốc hội Israel vẫn bỏ phiếu thông qua, trong bối cảnh số bệnh nhân COVID-19 trong nước không ngừng tăng.
Tính đến ngày 27/12, tại Israel đã có gần 400.000 ca nhiễm, trong đó có 3.210 người tử vong. Trong vòng 24 giờ qua đã có thêm hơn 3.600 ca mắc mới được chính thức ghi nhận.
Kể từ tuần trước, Israel đã bắt đầu đợt tiêm vắcxin phòng dịch. Bộ Y tế Israel đặt mục tiêu sẽ có khoảng 150.000 người được tiêm phòng mỗi ngày. Trước mắt, các đối tượng được ưu tiên tiêm vắcxin bao gồm nhân viên y tế, người lớn tuổi và các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Việc tiêm đại trà sẽ bắt đầu từ tuần tới.
Trong khi đó, chính quyền thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng vừa siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 do lo ngại hoạt động đi lại ồ ạt của người dân nước này trong dịp lễ có nguy cơ khiến số ca mắc bệnh tại thủ đô tăng vọt.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh ngày 27/12 là ngày thứ tư liên tiếp Trung Quốc đại lục công bố thêm nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại một cuộc họp, giới chức Bắc Kinh hối thúc tất cả các quận trong thành phố bước vào chế độ “khẩn cấp,” khoanh vùng các khu dân sinh và làng mạc xuất hiện các ca nhiễm.
Nhà chức trách cũng yêu cầu các công chức, viên chức ở lại trong thành phố và khuyến cáo người dân tránh thực hiện những chuyến đi không cần thiết trong thời gian từ ngày 1/1/2021 cho đến kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán.
Các hoạt động thương mại bị cấm trong khi các địa điểm công cộng như công viên giải trí, nhà thờ phải rút ngắn thời gian hoạt động trong giai đoạn trên.
Về cơ bản, Trung Quốc đại lục đã khống chế được dịch bệnh, song các ca lây nhiễm trong cộng đồng đang xuất hiện trở lại tại một số thành phố. Ủy ban Y tế Trung Quốc ngày 27/12 thông báo Trung Quốc đại lục có 22 ca nhiễm mới, trong đó có 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 10 ca nhập cảnh.
Trong số 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 7 ca tập trung tại tỉnh Liêu Ninh và 5 ca tại thủ đô Bắc Kinh. Tính đến hết ngày 26/12, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 86.955 ca nhiễm, nhưng hiện chỉ còn 334 bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị.
Theo truyền thông Trung Quốc, giới chức y tế nước này có kế hoạch tiêm phòng vắcxin cho 50 triệu người thuộc các nhóm có nguy cơ cao trước đợt nghỉ lễ Tết nguyên đán kéo dài 1 tuần từ ngày 11/2/2021./.