Ngày 2/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng chỉ trích Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) sau khi cơ quan này thông qua nghị quyết phủ nhận mối liên hệ giữa người Do Thái với thành phố Jerusalem.
Trước đó cùng ngày, tại trụ sở ở Paris (Pháp), với 22 phiếu thuận và 10 phiếu chống cùng 23 phiếu trắng, UNESCO đã thông qua nghị quyết trên khi tuyên bố những hành động do "Israel, một thế lực chiếm đóng...tiến hành đã thay đổi đặc điểm và hiện trạng của thành phố linh thiêng Jerusalem."
Nghị quyết đặc biệt chỉ trích việc Israel sáp nhập khu Bờ Tây và Đông Jerusalem hồi năm 1967, một động thái chưa từng được cộng đồng quốc tế công nhận, là một hành động "vô giá trị" và "cần phải hủy bỏ ngay lập tức."
Trong phản ứng của mình, Thủ tướng Netanyahu đã chỉ trích nghị quyết trên là "phi lý" và cáo buộc UNESCO đã "bác bỏ một sự thật đơn giản", đồng thời nhấn mạnh Jerusalem có vai trò linh thiêng và quan trọng đối với người Do Thái.
Tuy nhiên, ông Netanyahu cũng tuyên bố cuộc bỏ phiếu trên là một thắng lợi đối với Israel, khi số quốc gia ủng hộ việc phủ nhận mối liên hệ giữa người Do Thái và Jerusalem tiếp tục giảm. Theo nhà lãnh đạo này, số nước ủng hộ văn kiện tương tự được UNESCO thông qua hồi năm ngoái đã giảm từ 32 xuống còn 22 nước.
Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cũng chỉ trích việc UNESCO tiến hành bỏ phiếu đúng vào Ngày Độc lập của Israel. Ông Lieberman cho rằng cuộc bỏ phiếu trên "đồng nghĩa với việc bác bỏ chủ quyền của Israel đối với toàn bộ Jerusalem và mô tả Israel như một thế lực chiếm đóng vào đúng ngày chúng tôi kỷ niệm lễ độc lập."
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Palestine đã hoan nghênh nghị quyết trên, gọi đây là "một chiến thắng của luật pháp quốc tế." Bộ trên nhấn mạnh quyết định của UNESCO đã tái khẳng định "vai trò trung tâm của Jerusalem đối với di sản thế giới cũng như sự cần thiết phải chống lại những mối nguy hiểm xuất phát từ các hành động bất hợp pháp của Israel, đe dọa đến tính toàn vẹn về văn hóa và lịch sử của các địa điểm vô giá."
Trước đó, hồi tháng 10 năm ngoái, UNESCO cũng đã thông qua một nghị quyết bác bỏ mối liên hệ giữa người Do Thái với một số địa điểm tôn giáo quan trọng ở Jerusalem, bao gồm khu đền Al-Aqsa và Bức tường phía Tây, đồng thời lên án Israel hạn chế người Hồi giáo lui tới các địa điểm này. Israel sau đó đã triệu hồi Đại sứ nước này tại UNESCO về nước để tham vấn sau vụ việc trên.
[Israel triệu hồi Đại sứ tại UNESCO để phản đối nghị quyết về Jerusalem]
Israel đã chiếm đóng Bờ Tây và dải Gaza trong cuộc Chiến tranh Trung Đông năm 1967 và kiểm soát các vùng lãnh thổ này từ đó tới nay bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Người Palestine muốn xây dựng nhà nước tương lai của mình bên trong các phần lãnh thổ này với thủ đô là Đông Jerusalem - phần đất đã bị Israel sáp nhập và coi đây thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận./.