Israel không có nhiều lựa chọn sau cuộc khủng hoảng Ukraine

Kìm hãm tham vọng hạt nhân của Iran đang trở thành một vấn đề phức tạp hơn đối với Israel, song ngày càng có lý do để nước này buộc phải đặt sự tồn vong của mình vào tay Tehran.
Israel không có nhiều lựa chọn sau cuộc khủng hoảng Ukraine ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, không khó để thấy rằng báo chí và truyền thông những ngày này chủ yếu xoay quanh cuộc chiến tại Ukraine, trong khi những nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna dường như đang bị gạt ra ngoài lề.

Đối với các nhà đàm phán, điều này có thể khiến họ cảm thấy thoải mái hơn bởi có thêm không gian và thời gian tìm kiếm những lộ trình vượt qua khó khăn để tiến tới thỏa thuận mà không bị dư luận dò xét.

Tuy nhiên, những diễn biến tại Ukraine càng khiến cho nhu cầu đạt được thỏa thuận - theo đó ngăn Iran phát triển năng lực quân sự hạt nhân - càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Quyết tâm kéo dài các cuộc đàm phán sau thời hạn chót hồi tuần trước cho thấy cả hai bên đều muốn tìm kiếm thỏa thuận để tránh phải áp đặt thêm các đòn trừng phạt đối với Iran và thậm chí là nguy cơ đối đầu quân sự.

Dù không phải là bên tham gia đàm phán, Israel là quốc gia có sự quan tâm đặc biệt đến tiến trình này. Trong suốt thời gian diễn ra các cuộc đàm phán, giới lãnh đạo chính trị Israel tỏ ra khá kín tiếng.

Điều này có thể phần nào xuất phát từ cách tiếp cận tổng thể của chính phủ đương nhiệm, tránh sự khoa trương thường thấy trong những năm dưới thời Netanyahu.

Tuy nhiên, Israel dường như đã chấp nhận thực tế rằng việc phản đối bất kỳ thỏa thuận nào, đặc biệt là một cách công khai, đều sẽ không đạt được kết quả mà nước này mong muốn là Washington không tham gia trở lại Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) – đồng thời lại làm căng thẳng mối quan hệ với chính quyền của Tổng thống Biden.

Israel cũng hy vọng rằng với sự thay đổi lãnh đạo tại Iran từ chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani thực dụng hơn sang chính quyền Ebrahim Raisi cứng rắn, chính Iran sẽ là bên khiến các cuộc đàm phán bị trật bánh bằng cách đưa ra những yêu cầu vô lý, vô hình trung đóng sập cánh cửa trở lại thỏa thuận năm 2015.

Israel cho rằng vì không phải là một bên ký kết JCPOA, họ không bị ràng buộc với các điều khoản trong đó và cách đối đãi với Tehran sẽ căn cứ theo các cân nhắc an ninh riêng của nhà nước Israel.

Thủ tướng Naftali Bennett gần đây đã cảnh báo rằng thỏa thuận sẽ cho phép Iran lắp đặt vô số máy ly tâm, điều mà chính phủ của ông sẽ không bao giờ cho phép.

Israel và hầu hết khu vực cho rằng cái gọi là điều khoản hoàng hôn, theo đó hầu hết các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran, cùng với tất cả các lệnh trừng phạt, sẽ bị xóa bỏ vào năm 2025, là giấy phép để Iran phát triển quân sự hạt nhân, nguồn lực ngày càng gia tăng để phục vụ mục tiêu này.

Ở thời điểm hiện tại, các nhà hoạch định chính sách của Israel cho rằng khó có thể xảy ra những thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận của Tehran về việc phát triển năng lực hạt nhân hay tư duy căn bản của chế độ Hồi giáo; và rằng hành động quân sự của cộng đồng quốc tế nhằm vào Iran sẽ là không khả thi.

[EU cân nhắc tạm dừng đàm phán khôi phục thỏa thuận JCPOA]

Theo báo chí Israel, trong bài phát biểu tại trụ sở của cơ quan tình báo Mossad, Thủ tướng Bennett nhấn mạnh: “Sứ mệnh to lớn (của Mossad) là ngăn chặn một Iran hạt nhân. Đó là một sứ mệnh mà chúng ta đã phải vật lộn trong nhiều năm, nhưng có vẻ như chúng ta đang tiến gần đến thời khắc của sự thật.”

Chưa rõ chiến lược này được vận hành cụ thể như thế nào, song theo những gì đã diễn ra, có thể Israel không chỉ hợp tác cùng các quốc gia khác trong khu vực tiếp tục các hoạt động bí mật và các cuộc tấn công mạng nhằm làm chệch hướng chương trình hạt nhân của Iran, mà còn xây dựng một kế hoạch “ngày tận thế” để chuẩn bị cho một hoạt động quân sự quy mô hơn.

Israel không có nhiều lựa chọn sau cuộc khủng hoảng Ukraine ảnh 2Toàn cảnh đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo ngày 9/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điều này không xuất phát từ mối lo ngại sâu sắc về khả năng Iran sở hữu năng lực quân sự hạt nhân mà từ bất an rằng một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân có thể trở thành một nhân tố gây bất ổn thậm chí còn lớn hơn trong khu vực.

Điều trớ trêu mà Israel không thể ngờ là họ đã phản đối việc ký kết JCPOA ngay từ đầu và tích cực khuyến khích Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận này.

Giờ đây, chính nhờ quyết định đơn phương của Mỹ, Iran đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc trở thành một cường quốc hạt nhân.

Hơn thế nữa, dù nhiều lần tuyên bố rằng việc ngăn chặn Iran trở thành cường quốc hạt nhân là ưu tiên hàng đầu, những cánh cửa để Israel triển khai chiến dịch quân sự trực tiếp nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran đều bị hạn chế.

Khôi phục JCPOA là viễn cảnh tồi tệ gấp đôi với Israel, bởi không chỉ kẻ thù truyền kiếp của họ sẽ được thêm lợi ích khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, mà thỏa thuận mới, nếu có, sẽ ít ràng buộc và hạn chế về tài chính hơn đối với tham vọng hạt nhân và chủ nghĩa phiêu lưu của Iran trong khu vực.

Hơn thế nữa, các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt lớn là Nga do cuộc tấn công vào Ukraine có thể sẽ có lợi cho Iran khi giá năng lượng tăng.

Điều này càng đáng chú ý với việc Tehran phát hiện mỏ khí đốt tự nhiên Chalous khổng lồ ở Biển Caspi, thực tế có thể giúp Tehran trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn hơn cho châu Âu nếu các nhà đàm phán ở Vienna đạt được thỏa thuận và tiến tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng đặt ra một tình huống khó khăn cho Israel, vì nước này không có khả năng trung lập - không chỉ vì việc tuyên bố ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của Ukraine là sai về mặt đạo đức, mà bởi việc trì hoãn có một phản ứng rõ ràng chắc chắn sẽ khiến Washington và các đồng minh lớn ở châu Âu phẫn nộ.

Tất nhiên, Israel cũng lo ngại về nguy cơ một cuộc trả đũa có thể của Kremlin ở Syria, điều sẽ cản trở các hoạt động của họ chống lại các mục tiêu Iran và Hezbollah mà cho đến nay vẫn được Nga dung túng.

Kìm hãm tham vọng hạt nhân của Iran đang trở thành một vấn đề phức tạp hơn đối với Israel, song ngày càng có lý do để nhà nước Do Thái tin rằng họ không có giải pháp thay thế nào cho việc đặt sự tồn vong của mình vào tay Tehran./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục