Ngày 19/2, Israel đã ký thỏa thuận trị giá ít nhất 500 triệu USD về cung cấp khí đốt cho Jordan trong thời hạn 15 năm từ giếng khí đốt Tamar tại Địa Trung Hải.
Theo thỏa thuận này, Israel sẽ cung cấp 66 tỷ phút khối khí đốt/năm (1 phút khối = 0,0283m3) cho hai doanh nghiệp Jordan là Arab Potash và Jordan Bromine tại các cơ sở gần Biển Chết. Tổng cộng, phía Jordan nhất trí mua khoảng 1,8 tỷ mét khối khí tự nhiên của Israel.
Tuy nhiên, thỏa thuận này có thể được mở rộng thành một quan hệ đối tác lớn, trị giá tới 30 tỷ USD, theo đó Israel sẽ trở thành nhà cung cấp chính cho nhu cầu khí đốt của Jordan.
Jordan đã quay sang mua khí đốt của Israel, sau khi nguồn cung khí đốt từ Ai Cập bị gián đoạn vì các vụ tấn công khủng bố liên tiếp nhằm vào đường ống dẫn trên bán đảo Sinai. Mỏ Tamar, được phát hiện năm 2009, ước tính có trữ lượng hơn 300 tỷ m3. Israel khai thác mỏ khí đốt này từ tháng 3/2013 và đã ký kết nhiều hợp đồng “béo bở” trong nước.
Năm ngoái, Chính phủ Israel đã quyết định cho phép xuất khẩu 40% trữ lượng khí đốt ngoài khơi của nước này. Sau thỏa thuận với Jordan, các đối tác sở hữu mỏ Tamar dự kiến sẽ ký thêm các hợp đồng xuất khẩu hơn 48 tỷ mét khối khí đốt.
Israel được cho là đang sử dụng khí đốt như một cơ hội để cải thiện mối quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có Jordan. Nước này cũng đang khai thác khả năng xuất khẩu khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa hai nước.
Ngoài Tamar, Israel còn có mỏ khí đốt Leviathan với trữ lượng khoảng 540 tỷ mét khối khí, đủ để cung cấp cho nhu cầu của châu Âu trong vòng một năm. Tháng trước, Israel đã ký thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD để cung cấp khí đốt từ mỏ này cho một nhà máy điện đã được lên kế hoạch của Palestine trong thời hạn 20 năm.
Tamar và Leviathan là hai mỏ khí lớn nhất được phát hiện trong thập niên qua và đã đưa Israel trở thành một nước xuất khẩu khí đốt. Việc cung cấp khí từ mỏ Tamar của Israel cho Jordan dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2016, trong khi mỏ Leviathan dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong khoảng thời gian này./.