Israel đề cập một thỏa thuận tạm thời với Palestine

Nếu các cuộc đàm phán với Palestine thất bại, Israel có thể tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời thay vì một thỏa thuận toàn diện.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 27/12 tuyên bố nếu các cuộc đàm phán giải quyết xung đột với Palestine sa lầy vào các vấn đề gai góc vốn cản trở các nỗ lực hòa bình trong nhiều năm qua, ông có thể tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời thay vì thỏa thuận toàn diện.

Tuy nhiên, Palestine đã bác bỏ ý tưởng trên.

Phát biểu trên truyền hình Israel, ông Netanyahu cho rằng trong quá trình đàm phán, nhiều khả năng "va phải một bức tường," đó là vấn đề quy chế đối với Jerusalem và người tị nạn Palestine, khi đó giải pháp có thể là một thỏa thuận tạm thời.

Trước đó, ngày 26/12, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman cũng đưa ra một đề xuất tương tự về một sự dàn xếp tạm thời, cho rằng các cuộc đàm phán hòa bình không thể thành công và Israel không nên đàm phán về một hiệp định hòa bình với chính quyền của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Phản ứng trước các phát biểu trên, người phát ngôn của Tổng thống Abbas, ông Nabil Abu Rudeina khẳng định ý định tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời là "không thể chấp nhận được" đối với Palestine, bởi nó sẽ bỏ qua quy chế đối với Jerusalem cũng như vấn đề người tị nạn Palestine.

Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat cũng tuyên bố bác bỏ ý tưởng một thỏa thuận tạm thời, cho rằng "không có triển vọng thành công." Ông nhấn mạnh: "Giờ không phải lúc nói đến những giải pháp tạm thời, mà cần quyết định về những vấn đề quy chế cuối cùng, bao gồm Jerusalem, người tị nạn, đường biên giới, an ninh, khu định cư, nguồn nước và tù nhân người Palestine đang bị giam giữ ở Israel."

Ông Erekat cũng kêu gọi Phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza thúc đẩy nỗ lực hòa giải với phong trào Fatah của Tổng thống Abbas để ngăn chặn mối đe dọa tấn công quân sự từ Israel. Ông nhấn mạnh sự hòa giải các phái Palestine đang trở nên cấp bách và quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh gần đây có những đe dọa từ Israel phát động một cuộc tấn công mới nhằm vào Gaza.

Trong khi đó, ông Izzat al-Risha, một quan chức của Hamas tại Syria, cho biết các cuộc đàm phán giữa Hamas và Fatah về thành lập một chính phủ liên minh tại Dải Gaza đang tiếp diễn.

Fatah và Hamas đã giải quyết được nhiều vấn đề tranh cãi trong các cuộc đàm phán hòa giải tại Damas trong những tháng qua, tập trung vào việc cải tổ Phong trào Giải phóng Palestine (PLO) và dàn xếp liên quan đến bầu cử. Tuy nhiên, hai bên chưa đạt được thoả thuận về phân chia quyền lực an ninh.

Ông Risha cho biết Hamas đang theo đuổi một chính sách đối tác dân tộc trong đó tất cả các phái ở Palestine tham gia một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Trong một diễn biến khác, một tàu viện trợ cho Gaza mang tên Asia 1, do một số tổ chức từ thiện ở châu Á ủng hộ, sẽ khởi hành từ Syria tới Gaza. Hiện tàu Asia 1, treo cờ Sierra Leon, đang chờ sự đồng ý của Ai Cập để đi qua cảng Al-Arish của nước này vào Gaza.

Tàu Asia 1 mang theo thuốc men, lương thực và đồ chơi trẻ em, cùng bốn xe buýt và 10 máy phát điện cho bệnh viện, tổng trị giá 1 triệu USD. Đi cùng chuyến hàng này có hàng chục nhà hoạt động xã hội ở các nước châu Á, như Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Pakistan và Afghanistan. Hơn 100 nhà hoạt động khác cũng sẽ đáp máy bay tới Ai Cập để tham gia đoàn viện trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục