Israel đầu tư xây nhà máy xử lý rác thủy tinh để tái sử dụng

MEP cho biết rác thải thủy tinh là vật liệu có tiềm năng tái chế rất cao, lên đến 100%, sau tái chế hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của nguyên liệu ban đầu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 19/4, Bộ Bảo vệ Môi trường Israel (MEP) thông báo gói thầu trị giá tới 8,5 triệu NIS (2,4 triệu USD), hoặc 40% tổng giá trị dự án, để tài trợ cho các nhà thầu xây dựng một nhà máy phân loại và xử lý thủy tinh phế liệu.

MEP cho biết rác thải thủy tinh là vật liệu có tiềm năng tái chế rất cao, lên đến 100%, sau tái chế hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của nguyên liệu ban đầu.

Mỗi năm Israel thải ra khoảng 130.000 tấn chai lọ thủy tinh phế liệu, trong đó 60% được thu nhặt từ đầu nguồn theo các luật xử lý rác thải và vật liệu bao bì. Tuy nhiên, quá trình này không đảm bảo phân loại rác thủy tinh theo màu, do chi phí quá cao cũng như kỹ thuật chưa đáp ứng.

[Cà Mau: Ngăn nguy cơ ô nhiễm do nhà máy rác thải tạm ngưng hoạt động]

Vì vậy, hiện chỉ có khoảng 15% thủy tinh phế liệu thu gom tại Israel được tái chế và sản xuất các mặt hàng chai lọ mới; phần còn lại bị đổ đống và chuyển đi các nước khác.

Để nhận được tài trợ, nhà máy nói trên phải có chức năng phân loại thủy tinh phế liệu theo màu sắc nhằm tái sử dụng tại Israel.

Sau khi được xây dựng, nhà máy này sẽ giúp hoàn thiện chu trình xử lý và chế biến rác thải thủy tinh, giảm lượng thác thải chôn lấp, góp phần đáp ứng mục tiêu về môi trường của Chính phủ Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục