Israel có số ca nhiễm trong ngày cao nhất, Panama đặt lệnh giới nghiêm

Tính đến thời điểm này, tổng số ca mắc COVID-19 tại Israel đã lên tới 433 ca, trong đó 278 ca đang được điều trị tại các bệnh viện trên cả nước.
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Y tế Israel cho biết nước này đã ghi nhận thêm 96 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày 18/3, mức cao nhất tính theo ngày tại nước này cho đến nay.

Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Israel đã lên tới 433 ca, trong đó 278 ca đang được điều trị tại các bệnh viện trên cả nước. Trong số 155 ca còn lại có 76 ca được điều trị cách ly tại nhà, 11 ca đã bình phục, và 68 ca sẽ được điều trị ở nhà hoặc bệnh viện theo quyết định sớm được đưa ra.

Bộ Dân số và nhập cư Israel thông báo nước này đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài, trừ những người hiện đang cư trú tại Israel. Quyết định được đưa ra theo khuyến nghị của Bộ Y tế Israel.

Trong khi đó, tại Algeria, Bộ Y tế, Dân số và Cải cách Bệnh viện nước này cho biết đã ghi nhận thêm 12 ca mới mắc COVID-19 và một ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 72 ca với 6 ca tử vong.

Ca tử vong mới nhất là một người đàn ông 62 tuổi, ở tỉnh Blida, trong khi 12 ca nhiễm mới gồm 4 ca ở thủ đô Algiers, 4 ca ở tỉnh Blida, các khu vực Bejaia, Skikda, Tizi-Ouzou và Medea mỗi nơi ghi nhận một ca.

Cơ quan chức năng Algeria cho biết đang tiến hành các điều tra dịch tễ học để xác định và truy tìm tất cả những người tiếp xúc với các trường hợp nhiễm bệnh. Hệ thống giám sát và cảnh bảo tại chỗ vẫn đang được duy trì ở mức độ cao nhất.

[Malaysia sẵn sàng huy động quân đội để chống dịch bệnh COVID-19]

Còn tại Ai Cập, Bộ Y tế nước này cho biết đã phát hiện thêm 14 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 210 với 6 ca tử vong.

Cùng ngày, Bộ Y tế Saudi Arabia thông báo đã ghi nhận thêm 67 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 238.

Theo Bộ trên, trong số 67 ca nhiễm mới có 45 ca là du khách đến từ Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Pháp, Indonesia và Iraq, 11 ca là những người có tiếp xúc với các ca mắc bệnh trước và 11 ca đang được điều tra nguồn lây nhiễm.

Saudi Arabia đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có đóng cửa trường học, nơi làm việc, và cấm các chuyến bay.

Jordan phong tỏa thủ đô Amman từ ngày 19/3 khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 52. Các lực lượng vũ trang Jordan cho biết chỉ có những người có giấy phép mới được vào thủ đô Amman.

Trước đó, Bộ Du lịch Jordan cho biết 1.900 người nhập cảnh nước này trong hai tuần qua đã được cách ly tại các khách sạn ở khu vực Biển Chết, trong khi 3.000 người đang được cách ly tại các khách sạn ở Amman. Giới chức Jordan kêu gọi người dân không tích trữ thực phẩm vì nước này dự trữ đủ dùng cho cả năm.

Kuwait đã trục xuất 96 người Ai Cập, trong đó nhiều trường hợp vi phạm các quy định của Chính phủ Kuwait về phòng chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng Lao động và Các vấn đề xã hội kiêm Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế của Kuwait Mariam Al-Aqeel nhấn mạnh các cơ quan thuộc Chính phủ Kuwait sẽ áp dụng tất cả các quy định pháp luật đối với các công dân vi phạm những quy định mà nước này mới ban hành nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Chính phủ cũng đã quyết định đóng cửa tất cả các cửa hàng, trung tâm mua sắm và các tiệm cắt tóc đồng thời tạm dừng tất cả các chuyến bay thương mại.

Các nhân viên y tế đợi kiểm tra sức khỏe của khách du lịch tại cảng Amador ở Panama City. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Còn tại Panama, Tổng thống Laurentino Cortizo ngày 18/3 đã ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Theo nhà lãnh đạo Panama, quyết định trên cần được đưa ra để đảm bảo sự bình yên của đất nước và sức khỏe của người dân, trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan nhanh chóng.

Hiện Chính phủ Panama chưa thông báo thời hạn hiệu lực của sắc lệnh trên cũng như các án phạt đối với những người không tuân thủ, ngoại trừ những người thực hiện dịch vụ công như cảnh sát, quân đội, nhân viên y tế và lính cứu hỏa.

Panama đã ghi nhận tổng cộng 86 ca mắc COVID-19, trong đó 1 trường hợp tử vong.   

Trong khi đó, Quốc đảo Mauritius, El Salvador và Fiji cùng ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên trong ngày 18/3. Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth cho biết quốc đảo này đã ghi nhận 3 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, trong đó 2 ca được phát hiện trên một du thuyền và ca thứ 3 trở về từ Anh. Hiện toàn bộ 3 trường hợp này đang được cách ly trong bệnh viện ở Souillac.

Thủ tướng Mauritius tuyên bố quốc đảo "đang trong tình trạng khẩn cấp toàn quốc," theo đó cấm nhập cảnh trong vòng 14 ngày đối với tất cả các đối tượng, kể cả công dân Mauritius.

Chính phủ El Salvador thông báo ngày 18/3 đã thực hiện xét nghiệm 2 trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 đang được cách ly, trong đó 1 người có kết quả dương tính.

Đối với ca nhiễm đầu tiên ở Fiji, Bộ trưởng Y tế nước này Ifereimi Waqainabete đăng tải trên trang Twitter cá nhân ngày 19/3 cho biết trường hợp này là một người đàn ông ở Lautoka và hiện người này đang được cách ly theo dõi y tế. Theo giới chức Fiji, bệnh nhân này là một tiếp viên hàng không vừa trở về từ Mỹ.

Cùng ngày 18/3 Bộ Y tế Mexico xác nhận ca tử vong đầu tiên do mắc COVID-19 ở nước này. Bệnh nhân là một người đàn ông 41 tuổi có bệnh nền là tiểu đường. Người này đã từng đi du lịch qua vùng dịch và được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 9/3.

Theo Bộ Y tế Mexico, trong vòng 24 giờ qua, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng thêm 25 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm lên 118, và 314 người nghi ngờ nhiễm. Trong số những ca nhiễm hiện tại có 2 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục