Cơ quan quản lý nhà tù Israel (IPS) đã soạn thảo một gói biện pháp trừng phạt các tù nhân người Palestine sau khi nội các Israel quyết định cắt giảm các ưu đãi đối với tù nhân.
Các biện pháp trừng phạt trên bao gồm hủy bỏ các ưu đãi về TV cho tù nhân Palestine, dỡ toàn bộ vô tuyến khỏi các phòng giam, cấm tù nhân tiếp cận với quản giáo và ngừng phân phát báo trong tù.
Bên cạnh đó, thời gian thăm thân cũng bị giảm bớt và một số tù nhân sẽ không được thăm thân. Một quan chức của IPS cho biết danh sách này sẽ được chuyển lên Bộ trưởng Công an Yitzhak Aharonovich và ông sẽ là người quyết định có thực thi các trừng phạt này hay không.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Israel cáo buộc phong trào Hồi giáo Hamas dính líu tới vụ bắt cóc ba sinh viên Israel hồi tuần trước. Sau vụ việc này, Chính phủ Israel tuyên bố sẽ "xử lý" Hamas - lực lượng mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định là thủ phạm đằng sau vụ bắt cóc.
Hiện có 5.300 tù nhân Palestine đang bị giam giữ tại các nhà tù của Israel. 1.000 người trong số này có liên hệ với Hamas.
Trước đó, ngày 18/6, Israel đã siết chặt phong tỏa Bờ Tây và bắt giữ thêm 65 người Palestine, hầu hết là thành viên Hamas, trong quá trình tìm kiếm 3 sinh viên bị bắt cóc.
Đây là đợt bắt giữ lớn nhất trong nhiều năm qua và trong số này có 51 người Palestine vừa được phóng thích trong một đợt trao đổi tù nhân năm 2011.
Tính từ ngày 13/6, khi Israel bắt đầu chiến dịch tìm kiếm sinh viên bắt cóc, quân đội Israel đã bắt giữ tổng cộng hơn 240 người Palestine, lục soát hơn 800 địa điểm và đột kích 10 thể chế của Hamas.
Phản ứng về vụ bắt cóc sinh viên Israel, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định mục đích của những kẻ đứng sau vụ này là "phá hoại" Palestine. Ông lên án vụ bắt cóc, cũng như chiến dịch bắt giữ người ồ ạt của Israel tại Bờ Tây nhằm truy tìm thủ phạm.
Ông khẳng định "sẽ không bao giờ cho phép tái diễn một cuộc chiến intifada làm hủy hoại chúng ta," đồng thời cho biết sẽ phối hợp an ninh với Israel vì điều này sẽ bảo vệ cả hai bên.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Hamas Sami Abu Zuhri cho rằng tuyên bố trên của Tổng thống Abbas "có hại" cho quá trình hòa giải nội bộ Palestine. Hamas cũng bác bỏ cáo buộc của Thủ tướng Israel Netanyahu cho rằng phong trào này đứng sau vụ bắt cóc. Hiện chưa có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc này.
Trong phản ứng của mình, Mỹ đã kêu gọi các bên kiềm chế và tránh những động thái có thể làm tình hình xấu đi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Mỹ thừa nhận đây là một "bối cảnh nhạy cảm và khó khăn," đồng thời kêu gọi hai bên tiếp tục hợp tác về an ninh./.