Ngày 13/11, Israel đã trao cho Liên minh châu Âu (EU) đề xuất cuối cùng về thỏa thuận liên quan việc Israel tham gia chương trình nghiên cứu và phát triển của EU trong giai đoạn 2014-2020, được gọi là sáng kiến chung "Chân trời 2020."
Theo đề xuất này, Israel lần đầu tiên đã công nhận và chấp thuận chính sách của EU không cho phép hỗ trợ tài chính đối với các cơ quan và tổ chức tại các khu định cư Do Thái.
Việc Israel tham gia chương trình trên của EU gây tranh cãi do những biện pháp trừng phạt mới của châu Âu nhằm vào các khu định cư Do Thái nằm ngoài Giới tuyến Xanh. Vấn đề này đã trở thành điểm mâu thuẫn lớn giữa EU và Israel trong những tháng gần đây, khiến quan hệ hai bên căng thẳng. Tháng 7 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã ban hành những hướng dẫn chính sách mới cấm các cơ quan và tổ chức thuộc EU cấp vốn hay cho vay, tặng, trao học bổng cũng như giải thưởng cho bất kỳ tổ chức nào nằm trong hoặc liên kết với các khu định cư Do thái.
Trong một số trường hợp, lệnh cấm này còn áp dụng với các tổ chức của Israel hoạt động trên Giới tuyến Xanh, dù trực tiếp hay gián tiếp. Chính sách mới này của EU còn quy định bất kỳ thỏa thuận nào giữa Israel và EU phải bao gồm một điều khoản nêu rõ rằng các khu định cư ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan không thuộc Nhà nước Israel.
Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết Đại sứ EU tại Israel Lars Faaborg-Andersen đã thông báo cho toàn bộ 28 đại sứ các nước thành viên EU tại Israel các chi tiết trong đề xuất từ phía Israel. Ông Andersen nói rằng các cuộc thương lượng giữa hai bên đã tiến triển tích cực và hy vọng hai bên sẽ đi đến nhất trí trong vài ngày tới để ký thỏa thuận vào cuối tháng này.
Về phần mình, Israel muốn thêm một điều khoản vào thỏa thuận với EU để nhấn mạnh rằng sự công nhận của Israel đối với chính sách mới của EU không đồng nghĩa với việc xác định các đường biên giới lâu dài trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Theo các quan chức Israel, đề xuất của nước này sẵn sàng công nhận chính sách của EU về các khu định cư, nhưng không đồng ý đề cập rõ những hướng dẫn mới của EU về các khu định cư trong thỏa thuận nói trên.
Chương trình "Chân trời 2020" có thể đem lại hàng trăm triệu euro cho ngân sách của các viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ cao của Israel. Nếu tham gia chương trình này, Israel sẽ chuyển khoảng 600 triệu euro cho EU trong vòng 7 năm tới và cho phép các trường đại học, giới nghiên cứu và doanh nghiệp nước này tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ dự án trong nhiều lĩnh vực công nghệ.
Theo các nhà ngoại giao châu Âu, Tel Aviv sẽ nhận được gấp rưỡi số tiền mà họ chuyển cho EU trong khuôn khổ dự án. Israel là quốc gia ngoài EU duy nhất được chọn tham gia chương trình này với đầy đủ các quyền thành viên./.