ISC: Thế giới chưa chuẩn bị thích hợp để ứng phó với thảm họa

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các trận lũ lụt và bão - ngày càng nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu - đứng hàng đầu trong danh sách và chiếm 42% tổng số trận thiên tai đã xảy ra.
Thiệt hại do mưa lũ gây ra tại thành phố Sao Sebastiao, bang Sao Paulo, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một báo cáo của Hội đồng Khoa học quốc tế (ISC, gồm hàng chục tổ chức nghiên cứu khoa học) cảnh báo thế giới hiện chưa có sự chuẩn bị đầy đủ nhất để ứng phó với những trận thiên tai, thảm họa đang ngày càng gia tăng.

ISC kêu gọi cần nghĩ lại về cách quản lý rủi ro toàn cầu.

Trong tuyên bố mang tên Khung Hành động Sendai năm 2015, cộng đồng quốc tế đã thông qua các mục tiêu toàn cầu nhằm giảm thương vong và thiệt hại vào năm 2030 bằng việc đầu tư vào đánh giá và giảm thiểu nguy cơ cũng như chuẩn bị ứng phó thiên tai.

Tuy nhiên, báo cáo của ISC cảnh báo rằng theo các xu hướng hiện nay, sẽ rất khó để đạt được các mục tiêu trên vào năm 2030.

[Mỹ: Lốc xoáy dữ dội nhất trong lịch sử bang Oklahoma]

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các trận lũ lụt và bão - ngày càng nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu - đứng hàng đầu trong danh sách và chiếm 42% tổng số trận thiên tai đã xảy ra.

Báo cáo nhấn mạnh các thảm họa liên tiếp đang đảo ngược các thành tựu phát triển vốn đã vất vả mới có thể đạt được.

Chủ tịch ISC, ông Peter Gluckman, nhận định thế giới đã đầu tư quá ít vào việc lập kế hoạch và phòng ngừa dài hạn, từ việc củng cố các quy tắc xây dựng đến áp dụng các hệ thống cảnh báo nguy hiểm.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc về giảm thiểu nguy cơ thiên tai, bà Mami Mizutori cho biết các thách thức trong 3 năm gần đây đã làm giảm quỹ vốn dùng để tăng khả năng sẵn sàng ứng phó với các trận thiên tai tiếp theo.

Bà Mizutori nhấn mạnh: “Chúng ta cần củng cố cơ sở hạ tầng, các cộng đồng và các hệ sinh thái hơn là tái thiết sau thảm họa.”

Báo cáo của ISC cũng cho thấy từ năm 2011-2022, chỉ 5,2% viện trợ cho các nước đang phát triển ứng phó với thảm họa được dành riêng cho việc giảm thiểu rủi ro, phần còn lại được phân bổ cho hoạt động cứu trợ và tái thiết sau thảm họa.

ISC kêu gọi triển khai rộng rãi các hệ thống cảnh báo sớm, lưu ý rằng cảnh báo về bão sớm trước 24 giờ có thể giảm 30% thiệt hại.

Một báo cáo của Đại hội đồng Liên hợp quốc công bố vào cuối tháng 1 cũng cho thấy các nước không theo kịp tiến độ để đạt được các mục tiêu đã thống nhất trong Khung hành động Sendai.

Mỗi năm không chỉ có số người bị ảnh hưởng bởi các thảm họa và thiên tai tăng, mà thiệt hại trực tiếp cũng tăng, ước tính trung bình lên tới 330 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2015-2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục