IRRI hỗ trợ Việt Nam phát triển các giống lúa chất lượng cao

Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cam kết mạnh mẽ sẽ đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai Đề án vùng lúa chất lượng cao.
IRRI hỗ trợ Việt Nam phát triển các giống lúa chất lượng cao ảnh 1Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Tiến sỹ Cao Đức Phát chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và IRRI. (Nguồn: Báo Nông nghiệp)

Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp tham gia chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Cộng hòa Philippines, ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã đến thăm và làm việc với Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI).

Tiến sỹ Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tiến sỹ Ole Fajori, Phó Tổng Giám đốc IRRI và các cán bộ nghiên cứu của IRRI đã nồng nhiệt chào mừng Bộ trưởng và Đoàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.

[Việt Nam cam kết tuân thủ theo quy luật thị trường về giá lúa gạo]

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ niềm vui mừng được đến thăm IRRI, cái nôi của nghiên cứu lúa gạo toàn cầu, đảm bảo sinh kế cho nông dân và lương thực cho dân số toàn cầu đã đạt đến mức 8 tỷ người.

Bộ trưởng cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác của IRRI với Việt Nam trong các lĩnh vực cụ thể như bảo tồn gene, nghiên cứu giống, quy trình canh tác, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cho các cán bộ của Việt Nam. Đây là đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam. Nhờ đó, ngành lúa gạo Việt Nam trong nhiều năm qua luôn giữ vững là trụ cột chính của an ninh lương thực quốc gia và đóng góp tích cực vào an ninh lương thực toàn cầu.

Ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và lúa gạo nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức để chuyển đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng, thương hiệu, tích hợp đa giá trị và thân thiện với môi trường.

Do vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị IRRI cũng như khối các viện nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (One CGIAR) tiếp tục hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực mà IRRI và One CGIAR có thế mạnh, phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030, hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng và triển khai Đề án vùng lúa chất lượng cao, đảm bảo tính cạnh tranh, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phía IRRI đã trình bày một loạt các hoạt động đang phối hợp với Việt Nam trong thời gian gần đây, từ nghiên cứu giống kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu đến các chương trình chuyển giao và chứng nhận giống xuyên biên giới, quy trình canh tác lúa tiết kiệm nước, giảm phát thải, ứng dụng cơ giới, nông nghiệp chính xác trong sản xuất lúa gạo, áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị lúa gạo, tận dụng phế phụ phẩm, xây dựng bản đồ thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng công cụ đo lường và giám sát giảm phát thải cho ngành lúa gạo…

Hiện nay, IRRI đang chủ trì và phối hợp trong 8 chương trình nghiên cứu lớn của One CGIAR với Việt Nam, bao gồm nông nghiệp tái tạo, nông nghiệp trung hòa phát thải, đa dạng sinh học nông nghiệp và cảnh quan bền vững, tăng cường chuỗi giá trị và thương mại nông nghiệp trong ASEAN, kiểm soát dịch bệnh xuyên biên giới, tăng cường đầu tư tư nhân cho nông nghiệp bền vững, hệ thống nông nghiệp và thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi hệ thống thực phẩm phục vụ sức khỏe và dinh dưỡng.

Thay mặt IRRI, Tiến sỹ Cao Đức Phát nêu rõ thêm các định hướng phát triển của IRRI trong thời gian tới tập trung vào nghiên cứu và chuyển giao giống tạo ra các thành phẩm có lợi cho sức khỏe, giống chống chịu với biến đổi khí hậu và các quy trình canh tác, quản trị chuỗi trị giá lúa gạo giảm phát thải.

IRRI cam kết mạnh mẽ sẽ đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai Đề án vùng lúa chất lượng cao, đảm bảo tính cạnh tranh, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn Tiến sỹ Cao Đức Phát về những đóng góp của ông trong thời gian qua và sự hỗ trợ nhiệt thành cho ngành nông nghiệp Việt Nam trên cương vị mới là Chủ tịch Hội đồng thành viên của IRRI.

Bộ trưởng cũng cảm ơn sự quan tâm và đóng góp quý báu của các cán bộ IRRI cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định ngành lúa gạo Việt Nam cần tiếp tục được cơ cấu lại dựa trên tri thức mới, công nghệ mới và đổi mới sáng tạo liên tục để đối diện với bối cảnh mới của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và thay đổi xu hướng tiêu dùng.

IRRI sẽ tiếp tục là cái nôi của nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho ngành lúa gạo của Việt Nam và toàn cầu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoàn bày tỏ mong muốn IRRI trong thời gian tới quan tâm hơn nữa đến hành vi và năng lực của người nông dân để xây dựng các chương trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đào tạo, tập huấn phù hợp.

Đồng thời, các bên cũng cần tìm cách phối hợp nguồn lực, giữa IRRI với các chuyên gia, Viện nghiên cứu của Việt Nam, và với các doanh nghiệp Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nghiên cứu, đưa ra các kết quả nghiên cứu vững chắc, nhanh chóng được triển khai trên thực tiễn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan hoàn toàn tin tưởng với sự đồng hành của Tiến sỹ Cao Đức Phát, Ban Giám đốc và các cán bộ nghiên cứu IRRI, hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và IRRI sẽ đem lại những thành công mới cho nông nghiệp Việt Nam.

Hai bên đã thống nhất nhanh chóng hoàn thiện để sẵn sàng ký kết vào năm 2023 Khung Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và IRRI giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục