Ngày 11/12, ngoại trưởng hai nước Ireland và Đức đã bày tỏ tin tưởng về khả năng Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt được một thỏa thuận hậu Brexit, mặc dù Thủ tướng Anh Boris Johnson không loại trừ kịch bản không thỏa thuận rất có thể xảy ra.
Phát biểu họp báo trước thềm cuộc gặp với người đồng cấp Đức tại Berlin, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho rằng Anh và EU có thể đạt được một thỏa thuận về mối quan hệ trong tương lai và một thỏa thuận thương mại.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho hay Đức và Ireland tin rằng việc đạt được một thỏa thuận hậu Brexit tuy khó, nhưng không phải là bất khả thi.
Ông khẳng định EU sẽ tiếp tục đàm phán chừng nào vẫn còn cơ hội hướng tới thỏa thuận.
Trong ngày 11/12, các nhà đàm phán Anh và EU tiếp tục đàm phán tại Brussels, Bỉ, để xem liệu có thể mở ra một lộ trình để đạt được thỏa thuận trong cuộc thảo luận mang tính quyết định vào cuối tuần này hay không.
Trước đó, ngày 10/12, Thủ tướng Anh Johnson cho biết "nhiều khả năng" nước này và EU sẽ không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit, đồng thời ra chỉ thị chính phủ nước này chuẩn bị đưa Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu vào cuối năm nay.
Sau khi chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/1 năm nay, Anh bắt đầu quá trình chuyển tiếp kéo dài đến ngày 31/12 tới để thảo luận với EU về thỏa thuận thương mại mới cho mối quan hệ có kim ngạch trao đổi song phương trị giá gần 1.000 tỷ USD/năm này.
Hiện hai bên vẫn bất đồng về 3 nội dung cốt lõi về quyền đánh bắt cá, sân chơi bình đẳng và giải quyết tranh chấp.
Trong dự thảo mới nhất đưa ra ngày 10/12, EU muốn hai bên tiếp tục vào đánh bắt cá trong vùng biển của nhau trong 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2021, và duy trì dịch vụ đường không, đường bộ, vận chuyển hàng hóa trong vòng 6 tháng cũng từ thời hạn trên.
Tuy nhiên, phía Anh không chấp nhận. Trong trường hợp Anh và EU không đạt được thỏa thuận, hai bên sẽ phải áp dụng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong quan hệ thương mại như áp đặt thuế quan và hạn ngạch.
[EU không lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit]
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày 11/12, Bộ trưởng Ngư nghiệp Na Uy Odd Emil Ingebrigtsen cho biết nước này sẽ đóng cửa vùng biển đối với tàu cá của EU và Anh nếu một thỏa thuận giữa 3 bên không được ký kết trước ngày 1/1/2021.
Na Uy không phải thành viên của EU nhưng đã có một thỏa thuận đánh bắt cá với liên minh từ năm 1980. Tuy nhiên, các điều khoản trong thỏa thuận này cần phải được đàm phán lại sau khi Anh rời khỏi EU.
Phát biểu với các nghị sỹ tại Oslo, Bộ trưởng Ingebrigtsen cho hay các cuộc đàm phán với EU và Anh về một thỏa thuận đánh bắt cá năm 2021 đã bị đình trệ nghiêm trọng vì sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán hậu Brexit giữa hai bên.
Ông cũng lưu ý thêm rằng: "Không có dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán sẽ kết thúc vào cuối năm. Nếu chúng tôi không đạt được một thỏa thuận trước ngày 1/1/2021, chúng tôi sẽ không mở cửa vùng đặc quyền kinh tế của Na Uy cho các tàu cá của EU và Anh."
Vùng đặc quyền kinh tế của Na Uy là khu vực có lượng lớn một số loài sinh vật biển như cá tuyết, cá trích. Cho tới thời điểm hiện tại, ngư dân EU được phân bổ hạn ngạch để khai thác thủy sản ở khu vực này./.