Ngày 15/12, Ireland trở thành quốc gia đầu tiên của Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ra khỏi chương trình cứu trợ tài chính.
Kể từ tháng 11/2010, Dublin bắt đầu nhận được gói cứu trợ tổng trị giá 85 tỷ Euro từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU), sau khi hệ thống ngân hàng nước này sụp đổ và tình trạng bong bóng thị trường nhà đất tồi tệ.
Sau giai đoạn thắt chặt kinh tế đầy khó nhọc, Ireland đã từng bước thoát khỏi khủng hoảng và hiện không cần sự trợ giúp từ các nhà cho vay quốc tế. Trong khi đó, những nước có hoàn cảnh tương tự như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Cyprus vẫn tiếp tục phải dựa vào các chương trình cứu trợ.
Phát biểu trên truyền hình tối 15/12 nhân sự kiện này, Thủ tướng Ireland Enda Kenny gọi đây là "một bước quan trọng" chứ không hẳn là "một sự kết thúc," và cho rằng cuộc sống của người dân sẽ không thay đổi chỉ sau một đêm.
Thủ tướng Kenny cũng cho biết Chính phủ sẽ công bố chiến lược kinh tế trung hạn nhằm phác thảo những chính sách thời kỳ hậu cứu trợ, trong đó đảm bảo không bao giờ để tái diễn tình trạng nền kinh tế bị đe dọa bởi nạn đầu cơ.
Theo tờ Sunday Independent của Ireland, Dublin sẽ kết thúc chương trình kinh tế khắc khổ vào năm 2016, cùng thời điểm với cuộc tổng tuyển cử. Tờ Sunday Times đưa tin kế hoạch mới của chính phủ sẽ đặt mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp còn 4,2% vào năm 2020, giảm mạnh so với hiện tại là 12,8% và mức đỉnh của năm ngoái là 14,7%.
IMF đã kết thúc lần kiểm tra thứ 12 đối với tiến trình cải cách của Ireland và đồng ý giải ngân khoản cứu trợ cuối cùng 890 triệu USD. Với việc kết thúc chương trình cứu trợ quốc tế, Dublin sẽ có quyền kiểm soát lớn hơn đối với những quyết định kinh tế của mình sau 3 năm bị giám sát chặt chẽ bởi EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - thường được gọi là "bộ ba" chủ nợ.
Bộ ba này đã yêu cầu Chính phủ Ireland thực hiện tăng thuế, cải cách thể chế và bán các tài sản nhà nước nhằm đổi lại những cứu trợ tài chính, đồng thời đánh giá tiến trình thực hiện của Ireland 3 tháng một lần.
Kinh tế Ireland hiện đã trở lại đà tăng trưởng, thất nghiệp giảm dần và lĩnh vực ngân hàng được thu hẹp ở quy mô phù hợp với nền kinh tế. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng hệ thống ngân hàng vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn đối với kinh tế Ireland.
Tổng giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde cảnh báo "những thách thức kinh tế lớn" với Ireland vẫn đang ở phía trước, đó là tỷ lệ thất nghiệp vẫn quá cao, sự ổn định nợ công không vững chắc, nợ của khu vực tư nhân lớn và việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm chạp.
Báo giới và dư luận Ireland cũng bày tỏ lo ngại các vấn đề của nền kinh tế vẫn chưa qua đi. Tờ Sunday Times so sánh nền kinh tế nước này giống như "một người bệnh vừa trải qua hồi sức cấp cứu, và sẽ cần thời gian để trở lại hoàn toàn bình thường."
Trong khi đó, theo kết quả thăm dò dư luận do trang điện tử lớn của nước này là thejournal.ie thực hiện, hơn 50% số người được hỏi cho biết họ "cảm thấy lo lắng khi nghe thông tin Ireland ra khỏi chương trình cứu trợ," số người có thái độ vui mừng chỉ là 5%./.