Ngày 10/1, quân đội Iraq cùng lực lượng bộ lạc đã giành lại quyền kiểm soát hai khu vực Malaab và Fursan ở thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar.
Chỉ huy lực lượng bộ lạc, ông Mohammed Khamis Abu Risha cho biết nhóm vũ trang tự xưng là "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông" (ISIL) có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã bị đánh đuổi khỏi 90% thành phố Ramadi, tuy nhiên các tay súng ISIL vẫn còn đang cố thủ ở một vài địa điểm, đồng thời chiếm giữ một khu vực gần thủ đô Baghdad.
Trong khi đó, một phóng viên của hãng thông tấn AFP cho biết mặc dù thành phố Fallujah vẫn đang bị các tay súng ISIL kiểm soát , song lực lượng an ninh Iraq cũng đã được triển khai tại đây.
Tối 10/1, khả năng lực lượng quân đội Iraq mở một cuộc tấn công vào thành phố này đã được gác lại do các nhà thương lượng đang tìm cách đạt được một thỏa thuận, theo đó các tay súng có liên hệ với mạng lưới Al-Qaeda chấp nhận nhượng bộ các thủ lĩnh bộ lạc sau 10 ngày chiếm đóng thành phố này.
Các thánh đường đã được mở cửa cho các tín đồ Hồi giáo tới cầu nguyện vào ngày thứ Sáu, trong khi hoạt động giao thông bắt đầu trở lại bình thường trên các tuyến phố.
Cũng trong ngày 10/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch chống khủng bố của Chính phủ Iraq, đồng thời hối thúc nước này tiến hành đối thoại hòa giải và thống nhất dân tộc, tổ chức một cuộc tổng tuyển cử công bằng và dân chủ trong năm 2014.
Giao tranh tại Iraq bùng phát từ ngày 30/12 vừa qua khi các lực lượng an ninh dỡ bỏ một trại biểu tình tại thành phố Ramadi, nơi tập trung người Hồi giáo dòng Sunni.Bạo lực sau đó lan sang Fallujah.
Việc các tay súng có quan hệ với mạng lưới Al-Qaeda chiếm được hai thành phố Fallujah và Ramadi - vốn được coi là những thành phố chủ chốt của người Hồi giáo dòng Sunni ở miền Tây và Trung Iraq - là đòn mạnh giáng vào chính phủ đương nhiệm do người Shiite lãnh đạo.
Đây là lần đầu tiên tình trạng này xảy ra kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Iraq năm 2011. Thủ lĩnh nhánh Al-Qaeda tại Iraq là Al-Baghdadi thậm chí còn tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo Trung Đông đầu tiên trải dài từ Tây Iraq tới Đông Syria - động thái được xem là hồi chuông cảnh báo đối với các nước phương Tây và là minh chứng cho thấy làn sóng bất ổn từ Syria đang lan rộng trong khu vực.
Trước tình hình bạo lực leo thang nghiêm trọng, đồng thời lo ngại việc ISIL gia tăng hoạt động, Mỹ thông báo sẽ đẩy nhanh trong vài tháng tới việc chuyển giao các trang thiết bị quân sự cho Iraq, đồng thời cân nhắc phương án huấn luyện cho lực lượng tinh nhuệ của Baghda, song sẽ không điều quân trở lại quốc gia vùng Vịnh này.
Washington cũng khuyến cáo chính quyền Iraq nên tập trung vào các giải pháp chính trị bên cạnh các chiến dịch quân sự hiện nay nhằm giải quyết bất đồng trong nước trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa nước này sẽ tiến hành tổng tuyển cử.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, ít nhất 7.818 thường dân và 1.050 binh sỹ thuộc lực lượng an ninh Iraq đã thiệt mạng trong năm 2013. Đây là con số thương vong cao nhất ở Iraq kể từ năm 2008./.