Sputniknews.com đưa tin nhiều chuyên gia nhận định rằng chiến thắng quyết định trước tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố Mosul của Iraq cho phép nước này chuyển sang bước tiếp theo hướng tới việc phục hồi, nhưng Baghdad sẽ phải giải quyết những căng thẳng sắc tộc và tôn giáo cũng như nạn tham nhũng trên con đường khôi phục đất nước.
Giáo sư Beverley Milton-Edwards thuộc trường đại học Belfast, Bắc Ireland và cũng là một thành viên của Trung tâm Brookings Doha, cho rằng việc giảm thiểu căng thẳng bè phái, vốn là bản chất của một loạt vấn đề mà Iraq phải đối mặt, sẽ là một nhiệm vụ quan trọng.
[Hơn 800.000 người chạy khỏi Mosul vẫn chưa trở về]
Bà Milton-Edwards, người chuyên nghiên cứu về các vấn đề Trung Đông hiện nay, trong đó có an ninh và khủng bố, nhấn mạnh: "Các nhà lãnh đạo chính trị phải chứng tỏ rằng quyền lực và lợi ích tại Iraq có thể được chia đều và không bị dẫn dắt hoặc bị ảnh hưởng từ thế lực bên ngoài. Các nhà lãnh đạo chính trị cũng cần phải giải quyết các tác động sâu sắc của nạn tham nhũng và (tình trạng) bè phái trong (hệ thống) chính quyền Iraq để đưa nước này tiến lên."
Bên cạnh đó, bà Milton-Edwards cũng nhận định Chính phủ Iraq sẽ phải cân nhắc về cuộc đấu tranh đòi độc lập tại khu vực người Kurd sinh sống trong nỗ lực tái thiết đất nước.
Bà Milton-Edwards nói: "Người Kurd mong muốn quyền tự trị sẽ được duy trì trong bối cảnh chính quyền Iraq nỗ lực tái thiết hậu Mosul. Khát khao độc lập của họ sẽ được kiểm chứng trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 25/9 tới."
Theo bà Milton-Edwards, cuộc trưng cầu này nhấn mạnh mong muốn của chính quyền khu tự trị người Kurd tại Iraq (KRG) về một tương lai "không là một phần của Iraq."
Bà cho rằng điều này "làm nổi bật căng thẳng nghiêm trọng giữa giới tinh hoa trong KRG và Baghdad về con đường phía trước"./.