Iran yêu cầu Mỹ đảm bảo pháp lý để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân

Theo tuyên bố được 250 nghị sỹ Iran ký, Mỹ cần cung cấp cho nước Cộng hòa Hồi giáo sự đảm bảo pháp lý cần thiết rằng Washington sẽ không rút khỏi JCPOA một lần nữa.
Lối vào cơ sở hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran của Iran 300km về phía nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Truyền hình nhà nước Iran ngày 10/4 đưa tin các nhà lập pháp nước này đã yêu cầu Mỹ cung cấp đảm bảo pháp lý ‎để ngăn chặn các chính phủ tương lai của Mỹ rút khỏi thỏa thuận tiềm năng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Theo tuyên bố được 250 nghị sỹ Iran ký, Mỹ cần cung cấp cho nước Cộng hòa Hồi giáo sự đảm bảo pháp lý cần thiết rằng Washington sẽ không rút khỏi JCPOA một lần nữa, và vấn đề này phải được bảo đảm từ các thể chế ra quyết định của Mỹ, trong có có Quốc hội, dưới hình thức hoàn toàn hợp pháp nhằm không gây ra trở ngại nào đối với việc thực hiện thỏa thuận trong tương lai.

[Iran muốn Mỹ thể hiện thiện chí bằng cách dỡ bỏ trừng phạt]

Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần cam kết các lệnh trừng phạt sau khi dỡ bỏ sẽ không được tái áp đặt, và Iran có quyền xuất khẩu dầu sang bất kỳ quốc gia nào với số lượng đã thỏa thuận.

Tehran cũng có thể nhận được doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế.

Cùng ngày, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho hay nước này chưa và sẽ không rời bỏ các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo), đồng thời nhấn mạnh Chính phủ Iran muốn tìm cách bảo đảm quyền của người dân thông qua thoả thuận.

Phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm Ngày Công nghệ hạt nhân của Iran, Tổng thống Raisi nhấn mạnh chương trình hạt nhân của Iran có bản chất hòa bình và vũ khí hạt nhân không nằm trong học thuyết quốc phòng của nước này.

Ông Raisi khẳng định Chính phủ Iran coi việc không từ bỏ quyền lợi của người dân trong đàm phán hạt nhân là nghĩa vụ của mình.

Kể từ tháng Tư năm ngoái, Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đã tiến hành 8 vòng đàm phán tại Vienna (Áo) để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Mỹ tham gia gián tiếp thông qua trung gian là Liên minh châu Âu (EU), song hiện các bên đều cho rằng cả Tehran và Washington cần phải có các quyết định chính trị để giải quyết những vấn đề còn tồn tại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục