Truyền thông quốc gia Iran ngày 23/2 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết vẫn tồn tại nhiều bất đồng trong những vấn đề then chốt tại cuộc đàm phán đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Thứ trưởng Ngoại giao Araqchi nói: "Khoảng cách và bất đồng vẫn tồn tại, tất cả các bên tham gia đàm phán với thái độ nghiêm túc và quyết tâm nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm ra được giải pháp cho những vấn đề then chốt."
Nhà ngoại giao Iran đưa ra tuyên bố trên sau cuộc gặp kéo dài 3 giờ trong đêm 22/2 tại Geneva giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz và Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi.
Ông Araqchi cho rằng để giải quyết được những bất đồng đó hai bên cần tiếp tục tiến hành các cuộc tiếp xúc cấp cao. Ông còn tuyên bố Iran sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân nếu các đối tác muốn áp đặt ý muốn của họ trong khi đàm phán, bao gồm cả việc loại bỏ các biện pháp ngoại giao.
Ông nhấn mạnh cuộc đàm phán nên đáp ứng lợi ích của cả Iran và các cường quốc.
Tuy nhiên, ông Araqchi cho biết thêm các cuộc đàm phán cũng đã đi sâu vào chi tiết, trong một số trường hợp các bên đã đi đến được quyết định.
Ngoại trưởng Kerry và Zarif hiện đang tiếp tục ngày đàm phán thứ hai tại Geneva nhằm đạt được thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Tehran. Trước đó, ngày 22/3, cũng tại Geneva, đại diện Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đã tiến hành đàm phán nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài về chương trình hạt nhân của Iran.
Các bên đã nhất trí tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vào cuối tháng Hai này, song thời gian và địa điểm cụ thể vẫn chưa được ấn định.
Sau khi không đạt thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân đúng thời hạn 24/11/2014, Iran và Nhóm P5+1 đã đặt thời hạn chót mới là ngày 1/7/2015.
Hai bên cũng nhất trí đến cuối tháng 3/2015 sẽ đạt được thỏa thuận khung, sau đó tiến hành thương thảo các điều khoản chi tiết của thỏa thuận trong vòng ba tháng tiếp theo trước hạn chót mới.
Cáo buộc nước Cộng hòa Hồi giáo phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự, các cường quốc đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Tuy nhiên, Tehran bác bỏ các cáo buộc trên là vô căn cứ, đồng thời tuyên bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây cần được dỡ bỏ "cùng lúc" sau khi một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng được ký kết./.