Theo phóng viên TTXVN tại Geneve, hiện các nhà ngoại giao Mỹ, Iran và các nước liên quan đang ráo riết đẩy nhanh các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran.
Tuy nhiên, càng gần thời gian về đích thì nhiều vấn đề phức tạp lại nảy sinh liên quan đến bức thư ngỏ của nhóm nghị sỹ đảng Cộng hoà Mỹ gửi tới chính quyền Iran, dẫn đến phản ứng của Tehran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức).
Cuộc đua marathon ngoại giao vẫn diễn ra quyết liệt tại Thụy Sĩ nhằm hạn chế khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran và đưa ra dự thảo nghị quyết trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Tehran nếu các bên đạt được thỏa thuận.
Cùng với cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammed Javad Zarif, Nhóm P5+1 cũng nối lại đàm phán với Iran tại Lausanne (Thụy Sĩ) từ ngày 15/3 với hy vọng sẽ hoàn tất thỏa thuận khung cuối cùng về chương trình hạt nhân trước ngày 31/3 tới .
Ngay trước thềm vòng đàm phán mới với Iran, ông Kerry cho biết dù chưa thực sự chắc chắn về khả năng sẽ đạt được thỏa thuận khung đúng hạn, nhưng các bên liên quan vẫn đang nỗ lực hết sức cho mục tiêu này.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, hiện giữa các bên vẫn còn "khoảng cách lớn" cần vượt qua và mục đích đàm phán không chỉ đi tới một thỏa thuận khung mà phải là "một hiệp định thỏa đáng."
Nhóm P5+1 và Iran đã bắt đầu thảo luận về nghị quyết nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran nếu các bên đạt được thỏa thuận.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Hội đồng Bảo an sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu tán thành nếu Liên hợp quốc đạt được kế hoạch toàn diện chung trong chương trình hạt nhân giữa Iran và P5+1.
Từ tháng 12/2006, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính và năng lượng của Iran.
Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này theo tiến độ đang là điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Iran và P5+1./.