Ngày 28/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết nước này sẽ có các bước đi quyết đoán hơn nếu các nước còn lại trong Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đã ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 không thể bảo vệ nước Cộng hòa Hồi giáo này trước các lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ.
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia Iran, ông Mousavi nói: "Nếu Công cụ Hỗ trợ trao đổi thương mại của châu Âu (INSTEX) không thể đáp ứng yêu cầu của Iran trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân, thì chúng tôi sẽ tiến hành bước đi tiếp theo quyết đoán hơn."
Ông nhấn mạnh: "Việc thực thi cơ chế thương mại của Liên minh châu Âu (EU) đã bị trì hoãn do thiếu đi một số cam kết."
Quan chức ngoại giao Iran đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh các nhà ngoại giao Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran, những nước còn lại trong Nhóm P5+1, ngoại trừ Mỹ, từng ký thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đang họp khẩn tại Vienna (Áo), thảo luận các biện pháp nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hồi năm ngoái.
Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran bị đẩy lên đỉnh điểm sau vụ Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắn rơi máy bay do thám chiến lược không người lái của Mỹ trên vùng trời eo biển Hormuz ngày 20/6.
Tehran cáo buộc máy bay Mỹ vi phạm không phận, trong khi Washington khẳng định máy bay bị bắn rơi khi đang hoạt động trong không phận quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/6 đã quyết định phát động một cuộc tấn công trả đũa quốc gia Hồi giáo này, song đã rút lại quyết định vào phút chót, qua đó tạm tháo ngòi nguy cơ chiến tranh Mỹ-Iran trong ngắn hạn.
Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran từ ngày 24/6, bao gồm các biện pháp nhằm vào Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, động thái khiến Iran tuyên bố đóng mọi khả năng đàm phán với Mỹ thời gian tới.
Hồi tháng Năm vừa qua, Iran tuyên bố tạm ngừng thực thi một số điều khoản trong thỏa thuận JCPOA, đồng thời thông báo sẽ khởi động quá trình làm giàu urani ở cấp độ cao hơn nếu như trong vòng 60 ngày, tức là đến ngày 8/7 tới, các cường quốc châu Âu không có biện pháp bảo vệ lợi ích của Tehran theo JCPOA trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Theo JCPOA, Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể dẫn tới việc chế tạo bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Tehran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực.
Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận.
EU đã thông báo thiết lập INSTEX để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.
Cùng ngày, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook khẳng định, Mỹ sẽ trừng phạt bất kỳ nước nào nhập khẩu dầu của nước Cộng hòa Hồi giáo này và sẽ không có quy chế miễn trừ trừng phạt.
Phát biểu với báo giới ở thủ đô London (Anh), khi được hỏi về vấn đề Iran bán dầu thô cho châu Á, ông Hook nêu rõ: "Chúng tôi sẽ trừng phạt bất kỳ nước nào nhập khẩu dầu thô của Iran... Hiện giờ không có quy chế miễn trừ trừng phạt nào được ban hành," đồng thời khẳng định Washington sẽ theo dõi thông tin dầu thô của Iran xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Hook đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh có tin cho biết Tehran đang bán một số lượng lớn sản phẩm dầu mỏ với giá thấp hơn giá trị trường tại một số nước trong đó có Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ kể từ khi Mỹ hồi tháng 11/2018 áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ của Iran./.