Reuters đưa tin chính sách của Mỹ nhằm “gây sức ép tối đa” với Iran bằng các lệnh trừng phạt ở diện rộng đã xé nhỏ doanh thu từ dầu mỏ của Tehran và khiến nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái cũng như giảm giá trị đồng nội tệ của Iran.
Tuy vậy, Iran vẫn duy trì sức kháng cự khi đối mặt với những âm mưu của Mỹ nhằm thúc ép Tehran phải chấp nhận những hạn chế hà khắc hơn đối với chương trình hạt nhân của mình cũng như giảm các cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại khu vực Trung Đông.
Các quan chức Iran, doanh nhân và giới phân tích cho rằng quốc gia này đang đứng vững trên đôi chân của mình bằng việc từng bước tăng cường xuất khẩu các mặt hàng phi dầu mỏ và gia tăng thu thuế, nhưng phương thức quan trọng nhất là trao đổi, buôn lậu và các thỏa thuận bí mật.
[Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt Ngân hàng Trung ương Iran]
Để tránh các lệnh trừng phạt về tài chính và ngân hàng của Mỹ, các nhà quản trị của Iran đã xây dựng một mạng lưới các thương gia, doanh nghiệp, văn phòng trao đổi... từ các quốc gia khác nhau.
Một quan chức cấp cao của Iran đã tuyên bố: "Mỹ không thể cô lập Tehran... Nếu họ thành công trong việc chấm dứt việc bán dầu mỏ của Iran, điều mà họ không thể, chúng tôi sẽ xuất khẩu vải vóc, thực phẩm, hóa dầu và rau."
Ali Vaez, Giám đốc Dự án của Iran tại Nhóm (nghiên cứu) Khủng hoảng Quốc tế, cho biết mặc dù kinh tế của Iran đang khó khăn khủng khiếp, nhưng còn lâu nước này mới bị (Mỹ) áp đảo.
Ông Vaez nêu rõ: “Iran có nhiều kinh nghiệm trong việc tồn tại dưới áp lực về kinh tế... Trong vài năm trước, xuất khẩu các mặt hàng phi dầu mỏ của Tehran đã tăng trưởng đáng kể và Iran đã có quan hệ thương mại với các nước láng giềng như Iraq và Afghanistan... Iran cũng có thể buôn lậu dầu mỏ và phát sinh một số nguồn thu”./.