Hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran ngày 1/1 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Kazem Gharibabadi nói rằng vòng đàm phán hạt nhân tiếp theo giữa Iran và 3 nước châu Âu sẽ diễn ra vào ngày 13/1 tới tại Geneva (Thụy Sĩ).
Ông Gharibabadi nói thêm rằng các cuộc đàm phán tới đây với 3 nước Đức, Anh và Pháp (hay còn gọi là nhóm E3) chỉ mang tính chất "tham vấn.”
Hôm 29/11, Iran đã tiến hành cuộc họp kín với 3 nước nói trên tại Geneva mà theo ông Gharibabadi cuộc họp này diễn ra với tinh thần "thẳng thắn."
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Iran và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đang vướng vào bất đồng.
Tehran đã thông báo kế hoạch lắp đặt thêm máy ly tâm làm giàu uranium tại các cơ sở hạt nhân của mình, sau khi IAEA ra nghị quyết cho rằng Iran thiếu hợp tác với cơ quan này trong việc thanh sát và giám sát hoạt động tại các cơ sở hạt nhân của Iran.
Một báo cáo mật của IAEA về chương trình hạt nhân của Iran đã tiết lộ nhà máy hạt nhân Fordo với bản thiết kế cập nhật mới nhất cho phép Tehran nâng khả năng làm giàu uranium tinh khiết lên tới 60%, tiến gần hơn đến ngưỡng 90%, mức cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Trước thông tin này, các nước Đức, Anh và Pháp đã ra tuyên bố chung bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc Iran đẩy nhanh tốc độ làm giàu uranium, đồng thời cảnh báo bước điều này làm suy yếu nghiêm trọng thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Thỏa thuận mà Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc cùng Đức) đạt được hồi năm 2015 liên quan đến việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lấy các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này.
Về phần mình, Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình và phủ nhận cáo buộc theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Nếu được tổ chức, sự kiện ngày 13/1 tới đây được tổ chức một tuần trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Iran. Tehran sau đó đã thu hẹp việc thực hiện cam kết trong thỏa thuận này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thỏa thuận đổ vỡ.
Từ đó đến nay, các nước còn lại tham gia thỏa thuận đã nỗ lực thúc đẩy nhiều vòng đàm phán để vãn hồi tình thế, nhưng chưa đạt được kết quả. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử hồi tháng Chín năm ngoái, ông Trump khẳng định sự cần thiết đạt được thỏa thuận với Iran, nhằm tránh những hậu quả tiềm tàng mà ông cho là không thể chấp nhận được./.
IAEA: Iran đồng ý tăng cường giám sát cơ sở làm giàu uranium Fordo
IAEA lo ngại với việc tăng đáng kể lượng uranium làm giàu cấp độ cao ở Fordo, Iran có thể dễ dàng có được lượng uranium tinh khiết 60%, tiến gần hơn mức tinh khiết 90% đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân.