Iran sẽ tăng sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng mỗi ngày

Đại diện Iran tại OPEC khẳng định nước này quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày sau khi lệnh trừng phạt với ngành dầu mỏ được dỡ bỏ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Trong một phát biểu mới đây, ông Mehdi Asali, Đại diện Iran tại Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) khẳng định nước này quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày ngay sau khi lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ được dỡ bỏ.

Sản lượng dầu của Iran hiện khoảng 3 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Iran (CBI) Valiollah Seif, nước này đã lên kế hoạch sử dụng 30 tỷ USD đang bị phong tỏa để nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này được dỡ bỏ.

Ông Seif cũng nhấn mạnh rằng việc dỡ bỏ phong tỏa đối với các khoản tài chính ở các ngân hàng ngoài nước cũng như mở lại hệ thống thanh toán quốc tế là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Iran.

Hồi tháng 7/2015, ông Seif cho biết khoảng 23 tỷ USD tài sản bị phong tỏa thuộc sở hữu của CBI. Ngoài ra, khoảng 6-7 tỷ USD doanh thu của chính phủ từ các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ với các đối tác quốc tế cũng bị phong tỏa sau khi bị áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Ngày 16/1 (giờ địa phương), Mỹ đã chính thức dỡ bỏ trừng phạt chương trình hạt nhân của Iran khi Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry trong một tuyên bố đã xác nhận rằng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác minh rằng Tehran đã "thực thi đầy đủ các cam kết của mình" trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân mà nước này đạt được với Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức).

Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ cho phép những đối tượng không phải người Mỹ làm ăn với các pháp nhân và tổ chức thuộc Chính phủ Iran và bán các loại hàng hóa và dịch vụ; trong đó có ôtô, sắt thép, than đá, vàng và bảo hiểm.

Ngoài ra, Mỹ sẽ dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào các cá nhân không phải người Mỹ mua dầu của Iran. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cho phép các công ty con ở nước ngoài của các doanh nghiệp Mỹ giao dịch thương mại với Iran.

Tiếp bước Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran. Liên hợp quốc, Vương quốc Anh và Pháp đã hoan nghênh việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran và bày tỏ hy vọng thành công này sẽ góp phần vào sự ổn định của khu vực.

Trong một diễn biến khác, theo Bộ Giao thông Iran, nước này có kế hoạch mua 114 máy bay dân sự của nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus.

Các quan chức trong ngành hàng không của Iran và phương Tây ước tính rằng Iran, với 80 triệu dân, sẽ cần ít nhất 400 máy bay trong vòng 10 năm tới để thay thế các máy bay đã cũ và đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại bằng đường không của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục