Iran sẽ không từ bỏ quyền phát triển ngành công nghiệp hạt nhân

Tổng thống Iran tái khẳng định thông điệp của nước này gửi tới các vòng đàm phán tại Vienna (Áo) là Tehran sẽ không nhượng bộ để bảo vệ quyền phát triển hạt nhân của mình.
Iran sẽ không từ bỏ quyền phát triển ngành công nghiệp hạt nhân ảnh 1Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Iran sẽ không từ bỏ quyền phát triển ngành công nghiệp hạt nhân vì mục đích hòa bình và tất cả các bên tham gia đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà nước này ký với các cường quốc, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nên tôn trọng quyền này.

Trên đây là tuyên bố của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, đưa ra ngày 9/4.

Theo hãng tin Reuters của Anh, Tổng thống Raisi tái khẳng định thông điệp của nước này gửi tới các vòng đàm phán tại Vienna (Áo) là Tehran sẽ không nhượng bộ để bảo vệ quyền phát triển hạt nhân của mình.

Ông đồng thời khẳng định Iran chỉ phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình.

[IAEA: Iran chuyển thiết bị chế tạo máy ly tâm tới cơ sở ở Natanz]

Một số nguồn tin từ Iran và phương Tây cho rằng Mỹ đang cân nhắc loại bỏ Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khỏi "danh sách đen" các tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO) nhằm đổi lấy cam kết của Iran về việc kiểm soát các lực lượng quân đội tinh nhuệ.

Các cuộc đàm phán gián tiếp kéo dài 11 tháng giữa Iran và Mỹ tại Vienna đã bị đình trệ khi hai bên đều cho rằng cả Tehran và Washington cần phải có các quyết định chính trị để giải quyết các vấn đề tồn tại.

Năm 2015, Iran đã ký JCPOA với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức).

Tuy nhiên, tháng 5/2018, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran, khiến nước này từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận trên.

Kể từ tháng Tư năm ngoái, Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đã tiến hành 8 vòng đàm phán tại Vienna để khôi phục thỏa thuận. Mỹ tham gia gián tiếp thông qua trung gian là Liên minh châu Âu (EU).

Sau gần 1 năm đàm phán đã đưa các bên tiến gần hơn tới một thỏa thuận khôi phục thỏa thuận hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục