Ngày 22/4, Iran khẳng định quyết định của Mỹ chấm dứt hoàn toàn quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran, là "không có giá trị," đồng thời cho biết Tehran đã liên lạc với các đối tác châu Âu và các nước láng giềng đồng thời sẽ "có hành động phù hợp."
Các hãng thông tấn Iran dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh: "Các quy chế miễn trừ... không có giá trị, song do tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt, Bộ Ngoại giao đã liên lạc với các đối tác nước ngoài, trong đó có châu Âu, cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng và sẽ có hành động phù hợp."
Trước đó, hãng thông tấn Tasnim dẫn một nguồn tin từ Bộ Dầu mỏ Iran cho biết nước này đã có sự chuẩn bị đối phó trước quyết định chấm dứt hoàn toàn quy chế miễn trừ trừng phạt của Mỹ.
[Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran]
Nguồn tin trên nhấn mạnh: "Cho dù quy chế miễn trừ trừng phạt có được tiếp tục hay không, thì xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ không về con số không trong bất kỳ hoàn cảnh nào trừ phi giới chức Iran quyết định ngừng xuất khẩu dầu mỏ... Chúng tôi đang theo dõi và phân tích mọi kịch bản có thể xảy ra để thúc đẩy xuất khẩu dầu mỏ."
Nguồn tin trên khẳng định Iran đang áp dụng các biện pháp cần thiết.
Iran cũng lên tiếng cảnh báo sẽ phá vỡ hoạt động vận chuyển dầu mỏ bằng đường biển đi qua eo biển Hormuz, một tuyến vận chuyển quan trọng tại vùng Vịnh nếu Mỹ cố "bóp chẹt" nền kinh tế Iran bằng cách chặn xuất khẩu dầu mỏ của nước này.
Hãng thông tấn bán chính thức Fars dẫn lời người đứng đầu lực lượng hải quân thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, tướng Alireza Tangsiri cho biết nước này sẽ đóng cửa eo biển Hormuz mang tính chiến lược nếu Tehran bị ngăn cản sử dụng eo biển này.
Iran có động thái trên sau khi trước đó, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Hồi tháng 11/2018, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới.
Tuy nhiên, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế.
Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp. Các quy chế miễn trừ này sẽ hết hạn vào đầu tháng 5 tới.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích quyết định của Mỹ, cho rằng quyết định này không phục vụ sự ổn định và hòa bình trong khu vực.
Trên trang mạng Twitter, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu viết:"Chúng ta không chấp nhận các biện pháp trừng phạt đơn phương và áp đặt cách thức chúng ta xây dựng mối quan hệ với các nước láng giềng"./.