Ngày 24/3, Iran đã phản đối lệnh trừng phạt mà Mỹ vừa áp đặt đối với 10 cá nhân và 1 công ty của nước này liên quan đến các vụ tấn công mạng nhằm vào hàng trăm trường đại học của Mỹ và nhiều nước khác, cùng hàng chục công ty và cơ quan của Chính phủ Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghassemi tuyên bố các cáo buộc trên là "giả" đồng thời cho rằng các hành động của Mỹ mang tính "gây hấn, bất hợp pháp và phi lý." Ông Ghassemi khẳng định hành động của Washington sẽ không thể cản trở sự phát triển khoa học của người dân Iran.
[Iran ban hành chính sách cấm sử dụng USD trong lệnh nhập khẩu]
Trong tuyên bố áp lệnh trừng phạt đưa ra ngày 23/3, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc các tin tặc Iran đã đánh cắp hơn 31 terabyte dữ liệu học thuật và tài sản trí tuệ của 144 đại học Mỹ, 176 đại học ở 21 nước trong các vụ tấn công mạng từ năm 2013. Bộ Tài chính Mỹ cho biết bộ này quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân Iran và Viện Mabna - công ty mà các công tố viên Mỹ cho là thực hiện các vụ đánh cắp nhân dạng cá nhân và thông tin kinh tế có lợi cho Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran. Theo bộ này, Mabna đứng đằng sau các vụ tấn công nhằm vào hệ thống máy tính của hàng trăm trường đại học nói trên.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và tuyên bố phản đối thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), được Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7/2015, dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Theo thỏa thuận này, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. Năm 2017, Tổng thống Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận kể trên. Tới tháng 1 vừa qua, ông Trump tuyên bố JCPOA phải được "sửa chữa" trước ngày 12/5 nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này./.