Iran - Ngư ông đắc lợi trong cuộc khủng hoảng Ukraine?

Iran có khả năng trở thành bên chiến thắng ngoài dự tính trong cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Ukrain; điều đó sẽ xảy ra nếu quân đội Nga vượt qua biên giới Ukraine và các cuộc đàm phán ở Vienna.
Iran - Ngư ông đắc lợi trong cuộc khủng hoảng Ukraine? ảnh 1Cảnh sát bắt giữ nghi phạm trong vụ nổ súng tại thành phố Dnipro, miền Trung Ukraine ngày 27/1 vừa qua. (Ảnh: Ukrainian National Police/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com, Iran có khả năng trở thành bên chiến thắng ngoài dự tính trong cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Ukraine.

Điều đó sẽ xảy ra nếu quân đội Nga vượt qua biên giới Ukraine và các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 thất bại.

Khả năng Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn để đáp trả bất kỳ cuộc xâm lược nào của Nga vào Ukraine có thể khiến Nga có xu hướng bất chấp hậu quả từ việc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ để giao dịch với Iran.

Đồng thời, nếu các cuộc đàm phán giữa Iran với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức và Anh nhằm khôi phục thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo thất bại, điều đó sẽ đưa Iran xích lại gần hơn với Nga và Trung Quốc để bù đắp các lệnh trừng phạt của Mỹ làm tê liệt nền kinh tế của Iran.

Các quan chức Mỹ và châu Âu đã cảnh báo rằng thời gian sắp hết để có thể khôi phục thỏa thuận mà nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi vào năm 2018.

[Tổng thống Mỹ khôi phục quyết định miễn trừng phạt Iran]

Các quan chức cho biết Iran còn nhiều tuần nữa mới đạt được năng lực để có thể nhanh chóng sản xuất đủ nhiên liệu hạt nhân cho một quả bom. Điều đó có nghĩa là sẽ phải đàm phán một thỏa thuận mới, vốn bị phía Iran đã bác bỏ. Điều đó chắc chắn có trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Nga và Iran khi họ gặp nhau hồi tuần trước trong chuyến thăm của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đến Moskva. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của Nga và Iran sau 5 năm.

Quả thực, có thể nhìn thấy trước con đường tăng cường hợp tác thương mại, năng lượng và bán quân sự của Nga sẽ rộng mở nếu Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt mới đối với Nga ngay cả khi các hạn chế đối với Iran vẫn được duy trì. Điều đó không có nghĩa là con đường sẽ không có chướng ngại vật.

Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là sẽ vẫn cân bằng quan hệ với Iran với quan hệ của Nga với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Hành động cân bằng của Nga, giống như Trung Quốc, trở nên phức tạp hơn nếu không có các biến số Ukraine và Vienna khi lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn mở rộng cuộc nội chiến ở Yemen kéo dài 7 năm qua bằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào các mục tiêu ở UAE.

Lực lượng Houthi đã tấn công các mục tiêu này khi hải quân Nga, Trung Quốc và Iran bắt đầu cuộc tập trận chung lần ba kể từ năm 2019 ở phía Bắc Ấn Độ Dương. Chuẩn đô đốc Iran Mostafa Tajoldini nói với kênh truyền hình nhà nước Iran: “Mục đích của cuộc tập trận này là tăng cường an ninh trong khu vực, đồng thời mở rộng hợp tác đa phương giữa 3 nước để cùng hỗ trợ hòa bình thế giới, an ninh hàng hải và tạo ra một cộng đồng hàng hải với một tương lai chung.”

Việc Mỹ chần chừ đưa ra các chính sách liên quan đến những cam kết đối với an ninh ở vùng Vịnh đã thúc đẩy các quốc gia như Saudi Arabia và UAE bảo vệ quyền lợi và đa dạng hóa bản chất mối quan hệ của họ với các cường quốc bên ngoài.

Tuy nhiên, một nước Nga và có thể là Trung Quốc không còn lo lắng về hậu quả của việc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có thể khiến Riyadh và Abu Dhabi nhận thấy rằng 2 đối thủ của Mỹ có thể không đáng tin cậy hơn hoặc không cam kết đảm bảo an ninh cho vùng Vịnh.

Cho đến nay, cả Nga và Trung Quốc đều không tỏ ý muốn giành lấy nhiệm vụ này của Mỹ. Điều đó khiến Saudi Arabia và UAE có ít lựa chọn nếu Nga thấy rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ không còn là trở ngại cho các giao dịch của họ với Iran.

Nga được cho là muốn các cuộc đàm phán tại Vienna thành công nhưng đồng thời cũng ủng hộ các yêu cầu của Iran rằng Mỹ đảm bảo sẽ không phá bỏ một thỏa thuận được hồi sinh như đã làm vào năm 2018.

Iran - Ngư ông đắc lợi trong cuộc khủng hoảng Ukraine? ảnh 2Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi vào ngày 19/1. (Nguồn: ifpnews)

Trong bối cảnh các cuộc thảo luận về một thỏa thuận hợp tác 20 năm Nga-Iran, Moskva dường như muốn đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do giữa Iran và Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga dẫn đầu bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan Kyrgyzstan. Iran đã ký một thỏa thuận hợp tác 25 năm tương tự với Trung Quốc, nhưng phần lớn mới chỉ là tiềm năng chứ không phải là một kế hoạch hành động đang được triển khai.

Giống như trường hợp Trung Quốc, dự thảo thỏa thuận với Nga dường như là của Iran chứ không phải là sáng kiến của Nga. Điều này chứng tỏ Iran ít bị cô lập hơn so với mong muốn của Mỹ và tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể giảm thiểu.

Truyền thông đưa tin Nga sẵn sàng bán cho Iran số vũ khí trị giá lên tới 10 tỷ USD, bao gồm máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 (dường như vẫn chỉ là suy đoán). Saudi Arabia và UAE sẽ coi việc bán cho Iran những vũ khí như vậy là đặc biệt rắc rối.

Về mặt lý thuyết, động lực của cuộc khủng hoảng Ukraine và nguy cơ các cuộc đàm phán ở Vienna thất bại đồng nghĩa với việc một thỏa thuận hợp tác lâu dài giữa Nga và Iran có thể sớm đạt được hơn so với đối tác khác của Iran là Trung Quốc.

Đàm phán với một nước Nga bị Mỹ và châu Âu trừng phạt nặng nề trong bối cảnh cuộc khủng hoảng leo thang ở Ukraine có thể tạo ra một sân chơi bình đẳng cho cả hai bên, thay vì chỉ Iran, sẽ bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Học giả và nhà phân tích chính trị người Iran Sadegh Zibakalam cho rằng đã đến lúc chế độ ở Tehran nên gỡ bỏ tấm biển (gắn ở trụ sở Bộ Ngoại giao Iran) ghi dòng chữ tạm dịch là “Không đứng về bất cứ bên nào, dù phương Tây hay phương Đông” - vốn được coi là khẩu hiệu của cuộc cách mạng Hồi giáo Iran trong suốt hơn 4 thập kỷ qua.

Chuyên gia Zibakalam đăng trên trang Twitter: “Khẩu hiệu đó đã không được sử dụng trong một thời gian dài và nên được gỡ xuống”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục