Theo Press TV, ngày 27/4, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Iran sẽ phải chịu "hậu quả" chưa từng thấy nếu đe dọa nước Mỹ thực chất chỉ là "chiến tranh tâm lý."
Quan chức này đồng thời nhấn mạnh, “sự giận dữ thái quá” của chính quyền Mỹ bắt nguồn từ sự cô lập ngày càng gia tăng của nước này trên trường quốc tế.
Phát biểu với báo giới, ông Qassemi cho rằng thái độ giận dữ của Washington được khơi mào từ quan điểm của cộng đồng quốc tế nhằm vào Iran cũng như thỏa thuận hạt nhân đa phương 2015, vốn bị Mỹ đơn phương từ bỏ hồi tháng 5 vừa qua.
Ông Qassemi nói: “Tình huống mới hiện nay mà Mỹ đang phải đối mặt, như một quốc gia bị cô lập, đã gia tăng thái độ giận dữ thái quá trong giới cầm quyền Mỹ. Do sự thiếu hiểu biết về chiều sâu các vấn đề chính trị và ngoại giao, một số chính khách sử dụng một số từ, mà chính họ không hiểu hết ý nghĩa của những từ này. Trong thế giới ngày nay, cách cư xử đó tương đương với cuộc đối thoại vô ích.”
Ông Qassemi nhận xét, các chính sách của Mỹ đối với Iran đã thất bại, dẫn chứng việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những “sai lầm chiến lược” của Washington.
Theo ông, Washington đang tìm cách làm nản lòng người dân Iran và can thiệp vào nền kinh tế Iran thông qua các tuyên bố đe dọa, từ đó có thể “đổ thêm dầu vào lửa” thái độ bất mãn của công chúng bên trong nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Tuy nhiên, ông Qassemi khẳng định, Iran sẽ quyết tâm kháng cự trước bất kỳ mối đe dọa hoặc hành động nào nhằm vào lợi ích của nước này, và “sẽ không ngồi yên.”
Quan chức ngoại giao này nhấn mạnh, Iran đang đóng góp vào nền hòa bình và ổn định khu vực thông qua cuộc chiến chống khủng bố và đảm bảo an ninh khu vực, trong đó có Eo biển Hormuz chiến lược, huyết mạch quan trọng cho việc vận chuyển dầu thô từ Trung Đông.
[Iran cảnh báo nguy cơ một cuộc chiến tranh kinh tế với Mỹ]
Theo 9news.com.au, chỉ vài tháng trước đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa “trút lửa và thịnh nộ” lên Triều Tiên, trong một loạt các dòng Twitter mang tính công kích. Giờ đây, nhà lãnh đạo Mỹ đang chuyển cơn thịnh nộ vào một đối thủ hạt nhân tiềm tàng khác, đó là Iran.
Trong dòng Twitter mới nhất ngày 23/7, Tổng thống Trump công kích trực diện người đồng cấp Iran.
Cụ thể, ông Trump tuyên bố: “Gửi Tổng thống Iran Rouhani: Đừng bao giờ, đừng bao giờ đe dọa Mỹ thêm một lần nào nữa, nếu không các ông sẽ phải hứng chịu những hệ quả mà chưa từng thấy trong lịch sử. Mỹ sẽ không còn là đất nước tha thứ cho những lời lẽ bạo lực và chết chóc cuồng loạn của các ông. Hãy cẩn trọng!”
Ông Peter Jennings, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận xét dòng twitter mà ông Trump nhằm vào Iran dường như “là suy nghĩ bất ngờ không dự tính trước. Tôi nghĩ nhiều câu twitter của ông Trump được đưa ra khi theo dõi các chương trình truyền hình. Chắc hẳn ông ấy đã theo dõi chương trình trên Fox and Friends trong đó Tổng thống Iran Rouhani bình luận về khả năng xung đột nếu Mỹ siết chặt trừng phạt.”
Theo ông Jennings, Tổng thống Trump có khả năng áp dụng chiến lược Triều Tiên đối với Iran.
Chuyên gia này nhận định: “Ông ấy có thể nghĩ điều này sẽ tác động tương tự như một số dòng Twitter trước đây nhằm vào ‘người tên lửa’ (Little Rocketman) - ám chỉ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông ấy nghĩ lời công kích trút lửa và thịnh nộ lên Bán đảo Triều Tiên đã dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore."
Đáng lưu ý, Tổng thống Iran Hassan Rouhani là người “đâm nhát dao” đầu tiên.
Ông Rouhani cảnh báo: “Đừng đùa với đuôi sư tử, điều đó chỉ dẫn đến sự hối tiếc. Mỹ phải hiểu rõ rằng hòa bình với Iran là mẹ của các loại hòa bình, chiến tranh với Iran là mẹ của các loại chiến tranh.”
Chuyên gia Rodger Shanahan phân tích Trung Đông thuộc Viện Lowy ở Sydney (Australia) cho rằng phát biểu cứng rắn của ông Rouhani có liên quan trực tiếp tới tình hình kinh tế lộn xộn ở Iran.
Ông Shanahan nhận xét: “Mỹ đang gây sức ép kinh tế đáng kể đối với Iran, do Tổng thống Trump luôn cho rằng Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) là một thỏa thuận tồi”./.