Iran mong muốn kết quả rõ ràng từ cuộc họp của OPEC+

Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh, việc tổ chức cuộc họp mà không đem lại kết quả rõ ràng hay một sự thống nhất nào cho thị trường hiện nay sẽ là một thông điệp thất bại.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh. (Nguồn: mehrnews)

Iran tuyên bố không nhất trí tổ chức bất kỳ cuộc họp nào của OPEC+, gồm các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nếu như không có các đề xuất hay kết quả rõ ràng cho thị trường dầu mỏ.

Trong thư đề ngày 7/4 gửi tới Bộ trưởng Dầu mỏ Algeria, Chủ tịch hiện nay của OPEC, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến không rõ ràng liên quan tới cuộc họp sắp tới của các bộ trưởng OPEC+.

Theo ông, việc tổ chức cuộc họp mà không đem lại kết quả rõ ràng hay một sự thống nhất nào cho thị trường hiện nay sẽ là một thông điệp thất bại. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ vốn đang chao đảo do giá dầu sụt giảm mạnh hiện nay.

Bộ trưởng Zanganeh cho rằng cuộc họp sẽ không thành công, nếu ngay từ đầu các bên không thống nhất được kết quả mong muốn, cách thức đạt được kết quả này, cũng như lường trước được những phản ứng của thị trường dầu mỏ.

Theo ông, các vấn đề như mức độ và thời gian cắt giảm sản lượng, Mỹ và Canada sẽ cắt giảm bao nhiêu, cơ sở nào để tính toán việc cắt giảm sản lượng của mỗi nước, việc cắt giảm này sẽ được điều phối như thế nào, cần phải được thảo luận trước khi tiến hành họp.

[Mỹ từ chối khéo đề nghị tham gia kế hoạch giảm sản lượng của OPEC+]

Theo các nguồn thạo tin, Saudi Arabia, Nga và các nhà sản xuất dầu mỏ trong OPEC+ sẽ nhất trí cắt giảm sâu hơn sản lượng dầu thô trong các cuộc thảo luận diễn ra trong tuần này, nếu Mỹ và một số quốc gia khác đồng ý phối hợp hạn chế sản lượng nhằm giúp nâng giá dầu, vốn đang bị tác động mạnh bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Dự kiến OPEC+ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến vào ngày 9/4 tới.

Nhu cầu đối với thị trường dầu mỏ đã giảm tới 30 triệu thùng/ngày (tương đương 30%), khi các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu đối với nhiên liệu cho máy bay, xăng và dầu diesel giảm mạnh.

Saudi Arabia và Nga đang nỗ lực vượt qua bất đồng sau khi các cuộc thảo luận nhằm đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng trong tháng Ba vừa qua đã thất bại.

Kể từ thời điểm đó, Saudi Arabia đã liên tục tăng sản lượng, đồng thời khẳng định sẽ không một mình chịu trách nhiệm giảm sản lượng trong khi các nhà sản xuất khác không tuân thủ việc cắt giảm.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Riyadh và Moskva đã nhất trí giảm tới 10-15 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 10%-15% nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại không công bố bất kỳ động thái nào của các công ty Mỹ.

Trong khi đó, ngày 7/4, Bộ Năng lượng Mỹ khẳng định sản lượng dầu của Mỹ đã tự động giảm mà không cần bất cứ hành động nào của chính phủ.

Tuy nhiên, xu hướng giảm này sẽ diễn biến rất chậm trong hai năm tới. Nhà Trắng trước nay vẫn luôn giữ quan điểm không can thiệp vào các thị trường tư nhân.

Giá dầu đã phục hồi trong ngày 8/4 với hy vọng rằng cuộc họp của OPEC+ sẽ giúp giảm sản lượng và nâng giá thành sản phẩm.

Cụ thể, giá dầu thô Brent đã tăng 2,4% lên 32,62 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ đã tăng 5,5% lên 24,93 USD/thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục