Iran đã thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về kế hoạch lắp đặt thêm các máy ly tâm tân tiến IR-2m tại một nhà máy làm giàu urani dưới lòng đất ở cơ sở Natanz của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Báo cáo ngày 17/2 của IAEA gửi các quốc gia thành viên nêu rõ: “Iran đã thông báo kế hoạch lắp đặt thêm 2 tổ máy ly tâm 174 IR-2m tại Nhà máy Làm giàu Nhiên liệu (FEP) để làm giàu urani-235 lên độ tinh khiết 5%. Động thái này sẽ nâng tổng số tổ máy ly tâm IR-2m dự kiến, đang được lắp đặt hoặc đang được vận hành tại FEP lên 6 máy.”
Trước đó, báo cáo ngày 1/2 của IAEA cho biết Iran đã đưa vào vận hành tổ máy ly tâm IR-2m thứ 2 tại cơ sở Natanz và đang lắp đặt thêm 2 tổ máy nữa.
Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran chỉ có thể làm giàu urani tại cơ sở Natanz với các máy ly tâm thế hệ đầu IR-1 kém hiệu quả hơn nhiều.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cùng ngày 17/2 khẳng định Tehran sẵn sàng đối thoại với Tổng giám đốc IAEA nhưng sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp nội các tại Tehran, ông Zarif nêu rõ: “Đến ngày 23/2, hoạt động giám sát của IAEA về chương trình hạt nhân của Iran sẽ giảm đi chứ chưa phải ngừng hẳn.”
[IAEA đề xuất hướng tháo gỡ bế tắc trong hồ sơ hạt nhân Iran]
Iran đã tích cực trong thực thi các thỏa thuận Bảo đảm của IAEA và sẽ tiếp tục điều này trong thời gian tới.
Khi được hỏi liệu Mỹ có cơ hội khôi phục thỏa thuận hạt nhân hay không, ông Zarif cho rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã nhậm chức được gần một tháng nhưng họ vẫn theo đuổi chính sách cũ của cựu Tổng thống Donald Trump gây áp lực tối đa với Iran.
Ngoại trưởng Zarif lưu ý chừng nào Mỹ trở lại cam kết theo thỏa thuận hạt nhân, Iran sẽ có động thái tương tự.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh kêu gọi Iran đảo ngược và kiềm chế bất kỳ bước đi nào có thể ảnh hưởng tới những cam kết của Tehran đối với IAEA.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đưa ra tuyên bố này tại một cuộc họp báo sau khi Tehran thông báo sẽ bắt đầu cấm những cuộc thanh sát đột xuất của IAEA.
Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thảo luận với những người đồng cấp Anh, Pháp và Đức về vấn đề Iran trong ngày 18/2 .
Thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được Iran ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức).
Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.
Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani.
Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu urani ở độ tinh khiết 90% - mức để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận./.