Iran khẳng định vai trò của quốc tế trong thỏa thuận hạt nhân

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định thỏa thuận hạt nhân với Iran là tài sản của cộng đồng quốc tế và thuộc về những nước tham gia ký văn kiện này gồm Iran và Nhóm P5+1.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi. (Nguồn: Getty Images/TTXVN)

Ngày 10/4, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định Mỹ không phải "chủ nhân duy nhất" của thỏa thuận hạt nhân đạt được với Tehran hồi năm 2015.

Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Araqchi nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), là tài sản của cộng đồng quốc tế và thuộc về những nước tham gia ký văn kiện này gồm Iran và Nhóm P5+1 (gồm năm thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức).

Nhà ngoại giao Iran cho rằng đây là một thỏa thuận quan trọng, trong đó Nga là một bên có vai trò lớn.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đe dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận đa phương này.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước đó cũng đã cảnh báo Washington sẽ phải hối tiếc nếu chấm dứt vai trò của mình trong văn kiện trên. Ông Rouhani đồng thời để ngỏ khả năng Tehran đưa ra quyết định tương tự trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 với nhóm P5+1 sụp đổ với việc Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.

[Iran công bố hàng chục thành tựu công nghệ hạt nhân]

Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và tuyên bố phản đối thỏa thuận JCPOA ký dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo thỏa thuận này, Iran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.

Năm 2017, Tổng thống Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận kể trên. Hồi tháng Một vừa qua, ông Trump đã đưa ra thời hạn chót đối với các nước đồng minh Liên minh châu Âu (EU) phải sửa đổi JCPOA trước ngày 12/5, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi. Tuy nhiên, Iran tuyên bố sẽ không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào ngoài các cam kết trong JCPOA và cũng không chấp nhận thay đổi thỏa thuận này vào thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai.

Trong khi đó, Mỹ lên tiếng hoan nghênh việc một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực thúc đẩy áp đặt thêm những lệnh trừng phạt mới đối với Iran, đồng thời cảnh báo các công ty đang làm ăn với Iran rằng hoạt động kinh doanh của họ có thể sẽ củng cố thêm tiềm lực tài chính cho những nhóm quân sự và góp phần gây nên tình trạng bất ổn định tại Trung Đông.

Phóng viên TTXVN tại London dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề chống khủng bố và tội phạm tài chính Sigal Mandelker, đang có chuyến thăm Anh, nhận định rằng các lệnh trừng phạt là một phần quan trọng trong nỗ lực toàn diện để chống lại hoạt động của Iran tại khu vực. Bà Sigal Mandelker cho biết dựa theo nguồn tin báo chí, chính quyền Mỹ hiểu rằng EU đang cân nhắc những lệnh trừng phạt mới đối với Iran và đây là một bước tiến tốt mà Washinhton ủng hộ.

Hồi tháng Ba vừa qua, Pháp, Anh và Đức đã họp nhằm tìm kiếm sự nhất trí trong nội bộ EU về việc thông qua lệnh trừng phạt mới đối với Iran, song đã gặp khó khăn để thuyết phục một số nước trong EU đồng thuận. Sau Anh, dự kiến bà Mandelker sẽ tới thăm Đức và Pháp, những nước cũng tham gia ký thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Ngoài ra, bà Mandelker cho biết sẽ bàn với Anh về những lệnh trừng phạt đối với Nga, và thảo luận với các nước đồng minh EU về cách thức ngăn chặn việc trốn tránh trừng phạt của Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục