Ngày 19/2, Iran đã một lần nữa kêu gọi Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt mà chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái áp đặt đối với nước này.
Động thái trên được Iran đưa ra sau khi nước này nhận được đề nghị từ tân Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cùng ngồi vào bàn đàm phán.
Trong bài đăng trên trang Twitter, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nêu rõ Iran sẽ "ngay lập tức đảo ngược" các biện pháp trả đũa của nước này liên quan các cam kết hạt nhân, nếu Mỹ dỡ bỏ "một cách vô điều kiện và có hiệu quả tất cả các biện pháp trừng phạt mà cựu Tổng thống Trump đã áp đặt, tái áp đặt hoặc một lần nữa gán cho Iran".
Thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký kết với các cường quốc thế giới (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) năm 2015 nhằm mục đích hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran, đổi lại nước này sẽ được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế.
[Mỹ tuyên bố sẵn sàng đàm phán về tương lai thoả thuận hạt nhân Iran]
Cựu Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Để đáp trả, một năm sau đó, Iran dần dần đình chỉ việc tuân thủ hầu hết các cam kết hạt nhân quan trọng.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách khôi phục JCPOA. Ngày 18/2, ông Biden tuyên bố Washington đã sẵn sàng để hồi sinh thỏa thuận mà chính Washington đã từ bỏ gần ba năm trước.
Động thái này phản ánh sự thay đổi trong phương cách tiếp cận của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Biden. Tuy nhiên, Washington và Tehran dường như đang tranh cãi việc bên nào phải hành động trước.
Giới chức Iran gần đây đã nhiều lần kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong bối cảnh nước này đang trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.
Iran đặt thời hạn chót là ngày 23/2/2021 để Washington bắt đầu đảo ngược các biện pháp trừng phạt, nếu không nước này sẽ chấm dứt hoạt động thanh sát hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân thuộc Liên hợp quốc.
Cách đây một tháng, nước Cộng hòa Hồi giáo này cũng đã thông báo đẩy nhanh tiến trình làm giàu urani lên mức 20%, cao hơn nhiều mức 3,67% được phép chiểu theo JCPOA, mặc dù vẫn còn xa để có thể đạt mức sản xuất bom nguyên tử./.