Iran kêu gọi các lực lượng nước ngoài rút khỏi vùng Vịnh

Tổng thống Rouhani nêu rõ: "Các lực lượng nước ngoài có thể gây ra nhiều vấn đề và gây mất an toàn cho người dân của chúng ta và cho khu vực."
Iran kêu gọi các lực lượng nước ngoài rút khỏi vùng Vịnh ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: IRNA/ TTXVN)

Trước việc Mỹ ra lệnh triển khai thêm binh sỹ tới vùng Vịnh, ngày 22/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài đe dọa an ninh năng lượng và hàng hải trong khu vực.

Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình tại một lễ duyệt binh thường niên nhân ngày nổ ra cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988), Tổng thống Rouhani nêu rõ: "Các lực lượng nước ngoài có thể gây ra nhiều vấn đề và gây mất an toàn cho người dân của chúng ta và cho khu vực."

Ông kêu gọi các lực lượng nước ngoài rời khỏi và "tránh xa" vùng Vịnh để không biến nơi này trở thành khu vực diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang.

Theo ông, an ninh tại vùng Vịnh, Eo biển Hormuz và Biển Oman phải được đảm bảo thông qua sự hợp tác của các nước ven biển.

Nhà lãnh đạo Iran cũng cho biết sẽ trình một kế hoạch hòa bình lên Liên hợp quốc trong những ngày tới.

[Cuộc chơi mạo hiểm của Mỹ và Iran tại Trung Đông]

Cùng ngày, người đứng đầu Hải quân Iran, Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này sẵn sàng bảo vệ lãnh hải và sẽ "đáp trả quyết liệt" trước bất kỳ hành động gây hấn nào.

Ngày 20/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn kế hoạch triển khai binh sỹ, đồng thời tăng cường năng lực phòng không, tới Saudi Arabia và Các Tiểu vương Arab Thống nhất (UAE).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nêu rõ việc triển khai quân này là nhằm ủng hộ Saudi Arabia và UAE, đảm bảo dòng chảy tự do của nguồn nhiên liệu tại khu vực Vịnh Persian và đảm bảo trật tự quốc tế.

Căng thẳng giữa Iran và Mỹ cùng các đồng minh gia tăng kể từ tháng 5 năm ngoái khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo.

Tình hình càng trở nên xấu đi sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào cơ sở hóa dầu của Tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia tại Shaybah, gần biên giới với UAE hôm 14/9 vừa qua.

Bất chấp việc lực lượng Houthi tại Yemen thừa nhận tiến hành, Mỹ và Saudi Arabia vẫn cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công trên, trong khi Tehran cương quyết bác bỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục