Iran, EU kỳ vọng vào điều chỉnh chính sách của chính quyền mới tại Mỹ

Tổng thống Iran Hassan Rouhani hối thúc chính quyền mới của Mỹ quay lại Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Quang cảnh công viên National Mall tại Washington, D.C, trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, ngày 19/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, lãnh đạo một số nước và khu vực bày tỏ mong đợi nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Joe Biden sẽ có sự điều chỉnh trong nhiều chính sách so với người tiền nhiệm.

Trong tuyên bố ngày 20/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hối thúc chính quyền mới của Mỹ quay lại Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Nhà lãnh đạo Iran khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ thực hiện đầy đủ cam kết nếu Washington tham gia trở lại thỏa thuận này.

Quan hệ giữa Washington và Tehran căng thẳng hơn sau khi Mỹ hồi tháng 5/2018 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Trung Đông này.

Đến nay, các nước còn lại vẫn tìm cách cứu vãn thỏa thuận này bất chấp việc Tehran đẩy mạnh làm giàu urani, rời xa dần cam kết trong thỏa thuận đã ký.

Cùng ngày, Điện Kremlin của Nga ra tuyên bố Moskva sẽ tiếp tục gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), dự kiến hết hạn vào ngày 5/2. Tuyên bố cũng hoan nghênh việc chính quyền mới của ông Biden cam kết nỗ lực đạt được thỏa thuận trong vấn đề này.

Trước đó một ngày, ông Antony Blinken, người được đề cử vào chức Ngoại trưởng trong chính quyền sắp tới của Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tìm cách gia hạn New START được ký với Nga.

[Lễ nhậm chức Tổng thống chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ]

Từ Berlin, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ra tuyên bố bày tỏ sự vui mừng trước việc ông Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng. Ông cho rằng nhiều người ở Đức có cùng cảm xúc với ông.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi ông Biden thiết lập một thỏa thuận nền tảng mới với châu Âu về hợp tác trong một loạt vấn đề như hòa bình, an ninh, thịnh vượng, tự do và nhân quyền, với mục tiêu xây dựng một châu Âu, một nước Mỹ hùng mạnh hơn và một thế giới tốt đẹp hơn.

Theo ông Michel, Mỹ và châu Âu cần chú trọng năm vấn đề ưu tiên gồm thúc đẩy hợp tác song phương, chống dịch viêm đường hô hấp cấp, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế theo hướng chuyển đổi số và tham gia các lực lượng để bảo đảm an ninh và hòa bình.

Theo kế hoạch, lễ nhậm chức tổng thống Mỹ của ông Joe Biden sẽ diễn ra vào lúc 0 giờ ngày 21/1 (theo giờ Việt Nam). Buổi lễ với nhiều nghi lễ trang trọng sẽ có quy mô nhỏ hơn nhiều so với những năm trước đây do lo ngại sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như vấn đề an ninh sau cuộc biểu tình bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục