Ngày 12/8, hãng thông tấn IRNA dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao của Iran cho biết văn bản dự thảo "cuối cùng" do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) có thể chấp nhận được nếu đáp ứng được những yêu cầu chính của Tehran.
Theo nguồn tin trên, Tehran đang xem xét đề xuất trên của EU. Quan chức này cho biết thêm những đề xuất đó có thể chấp nhận được nếu đáp ứng những yêu cầu của Iran về các vấn đề trừng phạt và sự bảo đảm của Mỹ đối với JCPOA.
Iran muốn có được sự bảo đảm từ Mỹ rằng không một tổng thống tương lai nào của Mỹ sẽ lại rút khỏi JCPOA nếu thỏa thuận này được khôi phục.
Hồi năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.
Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden không thể đưa ra sự bảo đảm chắc chắn như vậy vì JCPOA là một thỏa thuận mang tính chính trị hơn là một hiệp ước có ràng buộc pháp lý.
[EU đưa ra văn bản cuối cùng trong đàm phán hạt nhân với Iran]
Trước đó, ngày 8/8, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, người từng đảm nhận vai trò điều phối các cuộc đàm phán, cho biết văn bản dự thảo dài 25 trang đã được đệ trình để các nước có liên quan đưa ra quyết định.
Mỹ sau đó tuyên bố sẵn sàng "nhanh chóng ký kết một thỏa thuận" để khôi phục JCPOA trên cơ sở các đề xuất do EU đưa ra.
Giới chức Iran cũng cho biết nước này sẽ thông báo cho EU quan điểm của Tehran sau các cuộc tham vấn trong nước.
Hôm 9/8 vừa qua, người phát ngôn về chính sách đối ngoại của EU, ông Peter Stano, cho biết EU hy vọng Tehran và Washington sẽ nhanh chóng phản hồi về văn bản dự thảo nói trên để khôi phục JCPOA./.